Vì sao quả na rừng 5 kg có giá 500.000 đồng?

Năm 2011, một số người Trung Quốc sang Việt Nam thu mua rễ na rừng với giá cao, lượng cây ít dần. Khan hiếm, được cho là có tác dụng làm dược liệu khiến loại quả này có giá đắt.

Cách đây 4 năm, anh Vừa A Chẩn, ở Vua Lương (Thuận Châu, Sơn La) đã đi hái na rừng (cơm nắm) về bán. Tuy nhiên, thời điểm đó, người mua rất ít. Chỉ một số người dân các tỉnh lân cận mua về chữa bệnh mất ngủ. 

Anh A Chẩn thường chọn những quả to, chín đỏ, có màu đẹp để bán. Giá bán tại thời điểm đó chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Thậm chí, có người đi rừng, thấy quả na lạ nên hái về chơi. Loại quả này gần như không có giá trị kinh tế.

Sau đó, khoảng năm 2011-2013, người dân tại Thuận Châu cho biết, một số người Trung Quốc đến thu mua rễ na rừng. Tuy nhiên, họ chỉ mua loại thân nhỏ, mảnh của cây mọc ở vùng cao. Mức giá thu mua với rễ tươi thời điểm đầu là 8.000 đồng/kg, sau lên tới 12.000-15.000 đồng/kg.

Vì sao quả na rừng 5 kg có giá 500.000 đồng?
Cân nặng trung bình của mỗi quả na rừng là 2 kg, có quả lên đến 5 kg. Ảnh:Thiên Minh. 

Thấy có lời nên người dân ở các bản lân cận đổ xô vào rừng hái. Người dân cho hay, họ được người mua giải thích là rễ na có tính nóng, đắng nên làm thuốc cầm máu, trị bệnh đau dạ dày, loét tá tràng. Ngoài mua ở Sơn La, các lái buôn này còn thu mua các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng, Khánh Hòa,...   

"Rễ na nhỏ khan hiếm dần. Nhiều người trong bản vào rừng chặt cả những gốc to, sau đó băm nhỏ và trộn với loại nhỏ để kiếm thêm thu nhập", A Chẩn cho hay.


Theo anh Vừa A Ly, người trực tiếp hái và thu mua quả na rừng ở bản Hua Lương, Co Mạ (Vua Lương, Thuận Thành, Sơn La), một năm trở lại đây, nhiều người mua quả na rừng về chữa bệnh mất ngủ, thiếu máu. Do mức độ khan hiếm nên sản phẩm có giá bán cao. Na chính vụ, giá lẻ là 120.000-150.000 đồng/kg, giá buôn 50.000 đồng/kg. Thời điểm cuối vụ, giá có thể lên tới 200.000 đồng/kg.

Vì sao quả na rừng 5 kg có giá 500.000 đồng?
Chưa có nghiên cứu nào về tác dụng của quả na rừng. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho biết, chất nhầy bên trong ruột na rừng có tác dụng chữa bệnh mất ngủ, điều hòa máu. Ảnh: Thiên Minh. 

Người dân này nói thêm, công việc hái quả na rừng khá nguy hiểm. Bởi chỉ những cây ở trên vùng đầu nguồn, độ cao trên 600-800 m mới cho quả to. Đặc biệt, cây có tán lá trung bình 10-20 m nên phải người trèo giỏi mới hái được. Chưa kể, loại quả này thu hút một loại ong rừng. Người nào bị cắn có thể bị viêm da hơn 1 tuần mới đỡ.

"Thời điểm trước đó, dân trong bản chưa ai đi hái na rừng cả. Gần đây, khách đặt mua nhiều nên tôi phải hướng dẫn người dân cách trẩy. Với độ khan hiếm và công sức người hái bỏ ra thì giá trên là không đắt", A Ly cho hay.

Vừa A Sềnh, Bí thư Chi bộ bản Hua Lương, Chủ tịch nông dân xã Co Mạ (Thuận Thành, Sơn La) xác nhận, năm 2011, nhiều người Trung Quốc về mua rễ na rừng và một số cây lạ khác. Một vài năm sau đó, tình trạng trên không diễn ra nữa. "Có thông tin người Trung Quốc từng mua bộ rễ còn tươi. Sau đó, họ sử dụng công nghệ sinh học để gây giống làm thuốc", anh Sềnh cho hay. 

Vì sao quả na rừng 5 kg có giá 500.000 đồng?
Một nhà thuốc nam ở Sapa (Lào Cai) chuyên thu mua quả na với số lượng lớn để chiết xuất dược liệu. Ảnh: Thiên Minh. 

Gần đây, một số người chuyên bán thuốc lá ở khu vực thường vào rừng hái quả na rừng. Còn lại, hiện tại phần lớn dân bản địa cũng không hay biết về tác dụng của quả này.

Theo một đơn vị thu mua ở Lào Cai, quả này có tác dụng bổ máu. Vào mùa sinh sản, những loài như chồn, cầy, khỉ thường tìm ăn để phục vụ cho việc duy trì nòi giống… Người này quảng cáo, đơn vị này là nơi đầu tiên tìm ra được chất dược liệu từ quả na rừng, chiết xuất dạng viên và đã được Bộ Y tế cấp phép.

Tuy nhiên, chỉ loại na rừng ở vùng khí hậu lạnh mới có kích thước lớn, được cho là có tác dụng dược liệu cao. Còn ở các vùng Lâm Đồng, Khánh Hòa... quả rất bé. Vì thế, đơn vị này khoanh vùng bằng cách chỉ thu mua những loại quả nặng trên 2,5 kg. Giá quả cũng tăng theo năm do khan hiếm, chỉ có vào tháng 9-10 âm lịch. 

Theo Ngọc Lan (Zing)