Vụ một học sinh lớp 6 bị hành hung ngay tại lớp học: Bênh con như thế khác nào hại con

Nghe con kể về việc mâu thuẫn với bạn cùng lớp, thay vì dạy bảo, khuyên nhủ thì phụ huynh này đã tìm đến lớp hành hung bạn học của con. Hành vi ấy vừa phản giáo dục, vừa bị xã hội lên án và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 9/12, tại lớp 6A4 (Trường THCS Tân Bình, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), một người đàn ông đã xông vào lớp học rồi gọi tên cháu N.Q.H lên phía trên bục giảng. Ngay khi cháu H xuất hiện, người đàn ông này đấm liên tiếp vào đầu, dùng chân đá vào bụng của cháu bé. 

Không dừng ở đó, người đàn ông này lại ra lệnh cho cháu H phải đi ra ngoài lớp học rồi dẫn đến ngách nhỏ (nơi giáp ranh giữa Trường THCS Tân Bình với Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện) để tiếp tục đấm vào đầu cháu.

Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp 6A4. Nguyên nhân vụ việc được cho là giữa cháu H và con của phụ huynh này có xảy ra mâu thuẫn, xô xát từ buổi sáng. Sau đó, nghe con kể, phụ huynh này đã đến lớp đánh cháu H.

Do không nhận được sự hối lỗi của phụ huynh này nên gia đình cháu H đã làm đơn gửi cơ quan công an, đề nghị vào cuộc và xử lý nghiêm minh vụ việc.

vu-mot-hoc-sinh-lop-6-bi-hanh-hung-ngay-tai-lop-hoc-benh-con-nhu-the-khac-nao-hai-con

Cháu H. bị người đàn ông hành hung (ảnh Báo ND)

Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để người lạ xông vào trường đánh học sinh thì nhà trường cũng có lỗi, còn hành vi của người đàn ông này thì có thể xem xét xử lý hình sự. 


Diễn biến sự việc cho thấy việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho học sinh ở trường này đang có vấn đề. Một người lạ vào trường đánh học sinh ngay trên lớp, sau đó lôi em học sinh ra khỏi trường tiếp tục đánh đập mà không có sự can thiệp của bảo vệ cũng như cán bộ nhà trường thì chứng tỏ môi trường này không còn an toàn cho học sinh.

Vấn đề này cần phải xem xét trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường và lực lượng bảo vệ của cơ sở giáo dục này. 

Còn đối với người đàn ông chỉ vì bênh con mình mà đánh học sinh khác cùng lớp thì điều lo lắng nhất chính là con của ông ta. Với cách giáo dục như vậy thì đứa trẻ này rất dễ hư hỏng. Đây là một cách giáo dục bệnh hoạn, phản giáo dục, thiếu văn hóa.

Thường xuyên chứng kiến những tư tưởng bạo lực, coi trọng quyền lợi, giá trị của mình hơn tất cả những thứ khác, cha mẹ muốn dành phần hơn bằng mọi cách mà không phân biệt đúng sai, phải trái thì sẽ tác động xấu đến con của họ. Điều này có thể làm lệch lạc quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em.

Việc bênh vực con mình vô điều kiện như vậy không cần biết đúng sai thì rất dễ biến những đứa trẻ ngoan trở thành những đứa trẻ bất hảo, ích kỷ, coi quyền lợi của mình là trên tất cả sẽ khiến chúng sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân mình.

vu-mot-hoc-sinh-lop-6-bi-hanh-hung-ngay-tai-lop-hoc-benh-con-nhu-the-khac-nao-hai-con

Luật sư Cường cho rằng, việc bênh con như thế là hành vi phản giáo dục và vi phạm pháp luật

Cũng theo luật sư Cường, nếu là một người có văn hóa, biết ứng xử mà có thông tin về việc con mình đánh nhau trên lớp hoặc bị bạn khác đánh đập thì phụ huynh đó cần phải liên hệ ngay với nhà trường và phụ huynh của cháu bé khác để làm rõ sự việc, phối hợp với nhà trường giáo dục các cháu.

Việc giáo dục phải theo nguyên tắc, có văn hóa, theo xu hướng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cùng nhau tìm ra lỗi lầm, nguyên nhân để khắc phục, hoá giải mâu thuẫn.

Thành công trong giáo dục trẻ em phải là giáo dục ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng pháp luật. Khi những đứa trẻ biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác phải biết tôn trọng quy tắc sinh hoạt cộng đồng, tôn trọng pháp luật, biết sẻ chia, biết cống hiến và biết nhận trách nhiệm thì đứa trẻ đó mới là công dân sống có ích cho xã hội. 

Còn ngược lại, nếu đứa trẻ được nuôi dưỡng cái tôi kiêu hãnh, bồi đắp lòng tham, tính ích kỷ, đố kỵ, không biết sẻ chia, luôn đề cao lợi ích của mình, coi nhẹ quyền lợi của người khác thì những đứa trẻ sớm muộn cũng trở thành tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác.

Kết quả giáo dục sẽ khiến đứa trẻ trở thành người tốt hay người xấu, trong đó vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Bởi cha mẹ là tấm gương phản chiếu làm hình thành, nảy sinh những hành vi, suy nghĩ của con cái.

Việc đánh đập học sinh ngay tại trường học là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hành vi này xâm phạm đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em, gây bất bình trong xã hội, khiến các học sinh cảm thấy bất an, hoảng sợ.

Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp. 

"Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy học sinh này đã bị thương tích (dù tỉ lệ thương tích dưới 11 %) nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ và gây thiệt hại đến sức khỏe của người dưới 16 tuổi thì người đàn ông này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 (Bộ luật Hình sự 2015) với mức hình phạt có thể lên đến 03 năm tù", luật sư Cường phân tích.

Bình Minh

Theo GiaDinh