"Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ có giàu hơn cả tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng?

Việc tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ công bố sẽ trao tặng 200 triệu cuốn sách với tổng nguồn lực chi phí 5 tỷ USD khiến nhiều người cảm thấy sốc, bởi chỉ riêng con số này đã gần bằng với tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (6,6 tỷ USD, theo Forbes tháng 7/2018).

Theo Infonet ngày 30/6, trong 5 năm tới (2018-2023), Tập đoàn Trung Nguyên Legend mong muốn trang bị tủ sách, tủ phim này đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chính gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị hơn 20 triệu tủ sách và phim tới hơn 20 triệu hộ gia đình, dòng họ,…; toàn bộ hệ thống thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… trên mọi miền Tổ Quốc.

Trung Nguyên Legend công bố số lượng sách trao tặng dự kiến đạt tới trên 200 triệu cuốn sách, với nguồn lực chi phí gần 5 tỷ USD.

Nhiều người cho rằng con số 5 tỷ USD là quá lớn, gần bằng số tài sản của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng (6,6 tỷ USD, theo Forbes tháng 7/2018).

Mới chỉ chi tiền tặng sách thôi mà ông chủ tập đoàn Trung Nguyên đã "vung tay" ngay 5 tỷ USD vậy thì tiềm lực kinh tế của ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn lớn đến chừng nào? 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo, Đặng Lê Nguyên Vũ phải sớm phụ cha mẹ để lo cho cuộc sống gia đình nên không xa lạ gì với những công việc nặng nhọc, cực khổ của nhà nông.


Trước khi trở thành một đại gia, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng rất khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Khi ấy, tài sản lớn nhất của ông chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho những thành công sau này.

Tháng 12/2002, Sở KH&ĐT Đắk Lắk cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, với vốn góp 16 tỉ đồng của 2 thành viên vẫn là Đặng Mơ và Đặng Lê Nguyên Vũ.

Năm 2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo danh tiếng Financial Times (Thời báo Tài chính) như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất.

Đặng Lê Nguyên Vũ rất thành công với thương hiệu cà phê Trung Nguyên

Trung Nguyên là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi có thể vượt ra khỏi biên giới hình chữ S để vươn ra thế giới. Đến nay, tập đoàn đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền cả trong và ngoài nước. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã và đang được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông.

Nắm thị phần khiêm tốn ở mảng cà phê hòa tan, thế nhưng, ở các mảng miếng kinh doanh khác, Trung Nguyên gần như không có đối thủ. Tập đoàn duy trì vị trí đứng đầu trong mảng cà phê rang xay với mức gia tăng thị phần từ 54% năm 2010 lên 59% năm 2015.

Không công bố báo cáo tài chính, nên kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn là ẩn số với nhiều người. Các số liệu chủ yếu từ phát biểu của ông Vũ và các đại diện Trung Nguyên với báo giới.

Câu chuyện lập nghiệp của ông "Vua cà phê" khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Theo dữ liệu của bảng xếp hạng VNR500, năm 2014, Trung Nguyên xếp vị trí 217 trong số các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất.

Trong khi đó, Nhịp cầu Đầu tư năm 2016 dẫn đánh giá của một số chuyên gia trong ngành cho rằng các công ty cà phê nội địa tên tuổi có doanh thu dao động bình quân 260-300 tỷ đồng/tháng (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng/năm), tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Ngoài việc kinh doanh, vị đại gia 47 tuổi cũng là người thích sưu tầm xe hơi và ông đã sở hữu hàng loạt siêu xe. Trong đó, có thể kể tới những chiếc xe như: Mercedes-AMG SLS Coupe, 2 chiếc SUV siêu sang, siêu nhanh Bentley Bentayga, 2 chiếc Rolls-Royce Ghost, 3 chiếc Range Rover SVAutobiography, Porsche Boxster, Lexus LX570, 2 chiếc Mercedes-Benz G-Class.

Để so sánh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ thua vợ chồng đại gia Minh "Nhựa" về độ chịu chơi trên thị trường xe hơi. Đại gia Trung Nguyên đồng thời là người đầu tiên tại Việt Nam cùng lúc sở hữu 6 siêu xe Ferrari.

Bên cạnh xe hơi, ông Nguyên Vũ cũng rất đam mê với ngựa đua. Ông từng mất tới 4 tháng rong ruổi khắp nước Úc để thương thảo và lựa chọn giống ngựa. Không những thế, ông từng mất hàng trăm triệu để thuê một chiếc máy bay để đưa số ngựa đó về Việt Nam, rồi cất công thuê chuyến container chở ngựa lên trang trại riêng của mình.

Ông Vũ có đam mê với ngựa đua

Tuy kiếm được rất nhiều tiền từ việc kinh doanh như vậy nhưng theo ghi nhận, khối tài sản của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ đang có dấu hiệu sụt giảm bởi sự chậm tăng trưởng của Tập đoàn Trung Nguyên.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn khả quan nhưng có thể thấy đà tăng trưởng về doanh thu đang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây. Trong khi đó, thị trường cà phê cũng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đối thủ trong ngành. Đơn cử như, Vinacafe Biên Hòa sau khi được Masan mua lại đang duy được đà tăng trưởng rất tốt.

Trong câu chuyện giữa vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ, bất kể ai đúng ai sai thì một doanh nghiệp với thương hiệu mạnh, lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm mà lại bị suy yếu vì mâu thuẫn nội bộ sẽ luôn là điều rất đáng tiếc.

Theo GiaDinh