Xúc động hình ảnh 3 người già lên đồi cao dựng lều cho cháu học online

Một clip ghi lại cảnh cả gia đình dựng căn lều tạm trên đỉnh đồi để phục vụ việc học trực tuyến (online). Chủ nhân căn lều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm nay phải sống nhờ ông bà già yếu.

Mới đây, thầy Nguyễn Văn Thủy, giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã chia sẻ lại cảnh cả gia đình một phụ huynh đang tiến hành dựng một căn lều nhỏ cho cháu trai ngồi học.

Điểm đặc biệt, căn lều được dựng ngay trên đỉnh đồi, xung quanh không có nhà dân nào mà toàn bộ chỉ là cây cối.

Chủ nhân căn lều là học sinh Triệu Văn Tài (lớp 5C, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm). Cậu bé bị mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng, hiện đang sống cùng ông bà nội tại xã Đắk Ngo- xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao

Thầy Nguyễn Văn Thủy (người chia sẻ clip) cho biết, gia đình Tài sinh sống tại khu vực đồi núi hiểm trở. Căn nhà nằm sâu dưới thung lũng nên ngay cả điện sinh hoạt cũng chưa có chứ không nói đến sóng điện thoại.

xuc-dong-hinh-anh-3-nguoi-gia-len-doi-cao-dung-leu-cho-chau-hoc-online

Triệu Văn Tài và ông bà nội trong căn lều tạm (ảnh: thầy giáo cung cấp).

Lo lắng việc học của cháu, ông Triệu Sinh Hương (dân tộc Dao) đã lấy số tiền tích góp từ năm học trước, mua một chiếc điện thoại thông minh trị giá 2,1 triệu đồng để Tài học trực tuyến.


Do khu vực sinh sống rất hẻo lánh nên ông Hương cùng vợ, cháu lên đỉnh đồi để tìm sóng 4G.  Sau nhiều ngày tìm kiếm, cả gia đình mới bắt được sóng điện thoại tại một quả đồi cách căn nhà chính khoảng 1 km.

Ngay lập tức, vợ chồng ông Hương đã dựng một chiếc lều tạm, có diện tích khoảng 4 m2 để Tài bắt đầu ngồi học từ ngày 20/9.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, ông Hương cho biết, Tài bị mẹ bỏ rơi, bố thì đi làm ăn xa nên nhiều năm nay được ông bà nuôi nấng. Số tiền 2,1 triệu đồng dành để mua điện thoại là tiền hỗ trợ những học sinh sinh sống ở khu vực xa trường. Đây cũng là tài sản giá trị nhất của gia đình ông Hương đến thời điểm hiện tại.

Ngày 16/9, sau nhiều lần khảo sát, ông biết được đỉnh đồi này bắt được sóng điện thoại. Bốn người trong gia đình, gồm 3 người già và một người trẻ mất 2 ngày để dựng căn lều.

xuc-dong-hinh-anh-3-nguoi-gia-len-doi-cao-dung-leu-cho-chau-hoc-online

Căn lều sẽ là nơi để Tài học trực tuyến trong thời gian sắp tới (ảnh: thầy giáo cung cấp).

Căn lều được dựng chủ yếu bằng thân cây tạp và phủ một lớp bạt mỏng đủ che nắng, che mưa. Vợ chồng ông Hương còn cẩn thận làm một chiếc bàn nhỏ, phục vụ cậu bé ngồi học khoảng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Thầy Nông Văn Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, toàn trường có hơn 430 học sinh, trong đó có 194 học sinh không có thiết bị học trực tuyến, 171 học sinh không có đường truyền ổn định để học trực tuyến. Không riêng gì Triệu Văn Tài, nhiều học sinh khác cũng gặp khó khăn khi chuẩn bị bước vào thời gian học trực tuyến.

"Để đảm bảo tiến độ học, nhà trường triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó khối 1 và  2 sẽ học qua truyền hình, khối 3, 4, 5 học trực tuyến. Đối với những học sinh không có đảm bảo điều kiện học trực tuyến, học truyền hình thì giáo viên các lớp sẽ đến tận nhà để phát phiếu học tập", thầy Nông Văn Thủy cho hay.

xuc-dong-hinh-anh-3-nguoi-gia-len-doi-cao-dung-leu-cho-chau-hoc-online

Từ chiều Chủ nhật (19/9), giáo viên xã Đắk Ngo đã đến nhà học sinh để phát phiếu học tập.

Theo kế hoạch, từ hôm nay 20/9, tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai học trực tuyến, học qua truyền hình từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với phụ huynh học sinh là thiết bị học và đường truyền internet, sóng điện thoại.

Theo Dân trí