Ba người bay đến Mặt Trăng 50 năm trước, nhưng chỉ hai người đáp xuống

Sau nhiệm vụ Apollo 11 với sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng 50 năm trước, phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins lại nhận được sự chú ý hoàn toàn khác nhau.

Trên con tàu vũ trụ Apollo 11 lịch sử có ba phi hành gia. Chỉ huy sứ mệnh Neil Armstrong cùng Michael Collins là phi công, trong khi Buzz Aldrin là học giả. Ông Aldrin từng miêu tả đội họ là bộ ba "những người lạ mặt hòa hợp".

Các phi hành gia của Apollo 11 có 6 tháng để cùng nhau chuẩn bị cho sứ mệnh lịch sử của nhân loại. Trước đó, cả ba chưa bao giờ cùng làm việc trên cùng một tàu vũ trụ. Quá trình chuẩn bị rất gấp rút và không có nhiều thời gian cho việc gắn kết lẫn nhau, ông Collins nói, theo CNN.

Phi hành gia Collins tiết lộ rằng Apollo 11 có một vài điểm khác biệt so với các nhiệm vụ khác.

"Chúng tôi không có thời gian để mắt tới thứ gì khác. Tất cả đều là công việc. Chúng tôi đã làm việc rất vất vả và cảm nhận được áp lực từ cả thế giới đè nặng lên vai", ông Collins chia sẻ.

ba-nguoi-bay-den-mat-trang-50-nam-truoc-nhung-chi-hai-nguoi-dap-xuong
Từ trái qua phải: phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins năm 1969. Ảnh: AP.

Neil Armstrong mãi mãi là người đầu tiên

Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, tuy nhiên phi hành gia lại ít khi đề cập đến điều này.


Armstrong có năng lực chuyên môn tuyệt vời: từng là phi công tham chiến trên bán đảo Triều Tiên, phi công bay thử nghiệm máy bay X-15, được tuyển chọn vào nhóm phi hành gia năm 1962, phi công chỉ huy nhiệm vụ Gemini 8, chỉ huy dự phòng của nhiệm vụ Apollo 8 và cuối cùng là chỉ huy Apollo 11.

Neil Armstrong đã nhiều lần chứng minh bản lĩnh của mình. Ông đã thành công kiểm soát được tàu vũ trụ Gemini 8 đang rơi vào năm 1966 và hạ cánh sớm con tàu. Ông cũng thoát thân thành công khỏi tàu huấn luyện ngay trước khi con tàu bốc cháy trong không trung ở Houston, Mỹ, năm 1968.

ba-nguoi-bay-den-mat-trang-50-nam-truoc-nhung-chi-hai-nguoi-dap-xuong
Phi hành gia Neil Armstrong (phải) cùng gia đình tại bang Ohio vào ngày 5/9/1969. Ảnh: AP.

Ông Armstrong rời Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hai năm sau nhiệm vụ Apollo 11 và giảng dạy tại Đại học Cincinnati cho đến năm 1979.

Ông dành những năm tháng cuối đời ở quê nhà tại bang Ohio. Trước khi qua đời, phi hành gia đồng ý để nhà sử học James Hansen viết cuốn tiểu sử về ông có tên First Man vào năm 2005. Cuốn sách là cơ sở cho bộ phim cùng tên.

Neil Armstrong qua đời năm 2012 ở tuổi 82.

Buzz Aldrin - Ngôi sao màn ảnh

Buzz Aldrin, năm nay 89 tuổi, là người thứ hai đặt chân lên Mặt Trăng. Ông còn là phi hành gia đầu tiên có bằng tiến sĩ.

Aldrin cũng từng là phi công tham chiến tại bán đảo Triều Tiên, sĩ quan lực lượng không quân, và có bằng tiến sĩ về du hành vũ trụ. Phi hành gia Aldrin cũng tham gia vào nhiệm vụ Gemini 12 năm 1966 và là phi hành gia dự bị cho nhiệm vụ Apollo 8. Cuối cùng là phi hành gia trên Apollo 11.

ba-nguoi-bay-den-mat-trang-50-nam-truoc-nhung-chi-hai-nguoi-dap-xuong
Ông Buzz Aldrin vẫy chào đám đông trong một lễ diễu hành tại Houston vào ngày 16/8/1969. Ảnh: AP.

Về sau, ông đổi tên trên giấy tờ, Edwin E. Aldrin Jr., thành biệt danh thời thơ ấu là Buzz. Cái tên này là nguồn cảm hứng cho nhân vật Buzz Lightyear trong bộ phim hoạt hình Toy Story. Tên mẹ của ông là Marion Moon.

Sau khi trở về từ Apollo 11, Aldrin trải qua nhiều năm vật lộn với chứng suy nhược tinh thần và nghiện rượu. Ông rời NASA vào năm 1971 và lãnh đạo trường thử nghiệm tại căn cứ không quân Edwards ở California trong một thời gian ngắn.

Bị thu hút bởi ánh đèn sân khấu, Aldrin góp mặt vào một tập phim truyền hình The Simpsons năm 1994 và sau đó là chương trình Dance With The Stars vào năm 2010. Ông đã chu du khắp thế giới, bao gồm cả Nam Cực, và mong muốn được đặt chân lên Sao Hỏa.

Hiện ông Aldrin luân phiên sinh sống tại bãi biển Satellite, bang Florida, và Nam California.

Michael Collins - Người bị lãng quên

Michael Collins là "người bị lãng quên" khi tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng. Trong khi phi hành gia Armstrong và Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng, ông Collins lái module chỉ huy bay lượn vòng trên đầu hai đồng nghiệp.

Trong những dịp kỷ niệm sứ mệnh Apollo 11 trước đây, ông Collins thường bị lãng quên. Nhưng sau khi ông Armstrong qua đời để lại khoảng trống khổng lồ, ông Collins, hiện 88 tuổi, cảm thấy cần phải lên tiếng. Dù trước đó, ông từng nói rằng "dự định của tôi trong dịp kỷ niệm 50 năm này là đi trốn".

ba-nguoi-bay-den-mat-trang-50-nam-truoc-nhung-chi-hai-nguoi-dap-xuong
Ông Michael Collins trong trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington vào ngày 25/7/1970. Ảnh: AP.

Phi hành gia Collins từng tham gia lực lượng không quân Mỹ và nhiệm vụ Gemini 10 vào năm 1966, ba năm sau khi ông được nhận vào nhóm phi hành gia thứ ba của NASA. Ông được cho là phi công điều khiển module của tàu Apollo 8, chuyến bay có người lái đầu tiên đi vòng quanh Mặt Trăng.

Sau nhiệm vụ, ông bị chấn thương xương cổ do va đập và phải trải qua phẫu thuật. Đến nhiệm vụ Apollo 11, ông đã hoàn toàn bình phục và tham gia cùng hai đồng nghiệp trong chuyến bay lịch sử.

Phi hành gia Collins đã rất kinh ngạc với câu hỏi của các phóng viên, rằng ông có thấy cô đơn không khi phải bay vòng quanh Mặt Trăng và không thể liên lạc qua radio với hai đồng nghiệp.

"Tôi cảm thấy như mình chính là tấm vé đưa Neil và Buzz về nhà, vậy nên tôi không cảm thấy cô đơn chút nào", ông nói.

Sáu tháng sau nhiệm vụ Apollo 11, Collins rời NASA. Ông từng làm trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề công trong thời gian ngắn, sau đó đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng lập của Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian.

Trong lời nói đầu của cuốn tự truyện xuất bản năm 1974, Collins cho biết ông thích câu cá, vẽ tranh, đọc sách, và luôn thấy mình cực kỳ may mắn.

Theo Tri Thức Trực Tuyến