Bệnh nhân nữ ngộ độc, suy gan tủy sau khi sử dụng th.u.ốc mua trên mạng

Nhiều trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng, ngộ độc thuốc phải nhập viện điều trị sau khi sử dụng những loại thuốc được quảng cáo như thần dược tràn lan trên mạng.

Ngày 13/1, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) tiếp nhận một trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng thuốc mua trên mạng. Theo đó, bệnh nhân là chị K.T.S. (38 tuổi, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã nhập viện với nhiều triệu chứng phù môi, da vùng môi loét, vùng mặt và vùng cổ nổi ban đỏ, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, ăn uống kém sau khi sử dụng một loại thuốc bột mua trên mạng.

benh-nhan-nu-ngo-doc-suy-gan-tuy-sau-khi-su-dung-th-u-oc-mua-tren-mang

Thuốc bột viêm mũi thấp khớp được bệnh nhân S. mua về uống dẫn đến phải nhập viện cấp cứu (Ảnh: Trung tâm Y tế Kỳ Sơn)

Tại đây, các bác sĩ tiến hành khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, suy gan, suy tủy xương, thiếu máu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp...

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân trước đây có tiền sử đau khớp và viêm mũi. Nghe theo đề xuất từ nhiều người xung quanh, bệnh nhân quyết định mua loại thuốc bột viêm mũi thấp khớp quảng cáo trên mạng với giá cực kỳ hấp dẫn, chỉ 10.000 đồng/gói. Sau vài ngày sử dụng, triệu chứng ban đầu giảm nhưng sau khoảng 20 ngày, bệnh nhân S. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nói trên. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp cứu.

Ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, chia sẻ: "Bệnh tình của nhân quá nặng, đội ngũ y tế đã quyên góp để hỗ trợ gia đình chuyển tuyến. Hiện bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để điều trị".


Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng thời gian vừa qua các bệnh viện vẫn ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc trôi nổi trên mạng xã hội đến điều trị. Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người bệnh 25 tuổi đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày mà theo quảng cáo là chữa vô sinh. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm.

“Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc nam” - bác sĩ Vũ Minh Đức, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn từng tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Bệnh nhân này nghe theo “thần y” mạng, vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng... Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.

benh-nhan-nu-ngo-doc-suy-gan-tuy-sau-khi-su-dung-th-u-oc-mua-tren-mang

 

 

Không nên tin vào những quảng cáo thuốc "điều trị dứt điểm" trên mạng để tránh tiền mất tật mang.

Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm một hai năm trước đã tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống “tiểu đường hoàn” - thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.

Hay trường hợp anh L.H.N (18 tuổi, huyện Bình Chánh, TP. lHồ Chí Minh) cũng là một trong những nạn nhân của việc sử dụng thuốc mua trên mạng. Sau khi mua thuốc trị vảy nến theo lời quảng cáo, anh N. phải nhập viện với tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân. “Em uống hết 3 hộp thuốc thì tình trạng tổn thương trên da do vảy nến giảm khoảng 60%. Em chưa kịp vui mừng thì 5 ngày sau khi hết thuốc vảy nến bùng phát dữ dội khiến lớp da toàn thân bong tróc từng mảng, ngứa ngáy, đau rát khiến em gần như suy sụp phải vào bệnh viện điều trị” – bệnh nhân N. cho hay.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khuyến cáo, thời gian gần đây xuất hiện những trường hợp tự ý sử dụng thuốc theo truyền tai nhau, qua quảng cáo trên các trang mạng xã hội hoặc tự ý dùng thuốc không rõ xuất xứ, gây hệ lụy khôn lường. Do đó, người dân cần cảnh giác không nên sử dụng, nghe theo người bán một số thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng dễ rước bệnh vào thân. Khi có bệnh phải tới các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Theo VietQ