Cả nhà qua đời, ai sẽ hưởng tài sản tỉ phú?

Hai hung thủ gây ra vụ án mạng nghiêm trọng tại Bình Phước đã bị bắt, nhưng những rắc rối pháp lý có thể sẽ bắt đầu. Một lãnh đạo công an cho hay sẽ sớm xử vụ án sau khoảng một tháng, luật có cho phép như vậy? Xử lý, quản lý tài sản của nạn nhân ra sao? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cùng bạn đọc tìm hiểu.

Cả nhà qua đời, ai sẽ hưởng tài sản tỉ phú?

Hai bị can Dương và Tiến được cho là khó thoát khỏi án tử hình,

Luật có cho phép "xử án nhanh"?

* Thưa ông, cảnh sát xác định Dương là chủ mưu, trực tiếp sát hại 5 người, còn Tiến là đồng phạm giúp phụ trói các nạn nhân, trực tiếp giết 1 người. Như vậy, Tiến có phạm tội giết nhiều người?

- "Giết nhiều người" là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong vụ án này, Tiến tuy chỉ trực tiếp giết một người (bà Nga), nhưng vẫn bị áp dụng tình tiết "giết nhiều người" trong vai trò đồng phạm.

Vì sao? Khoản 1 Điều 20 BLHS quy định: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm". Năm nạn nhân còn lại đều bị tước đoạt trái phép tính mạng do Tiến cố ý cùng thực hiện với Dương. Do đó, Tiến cùng với Dương đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết nhiều người.


* Ông có thể bình luận về những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của hai hung thủ?

- Có thể xác định được những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của hai đối tượng như sau:

- Giết nhiều người;

- Giết trẻ em (người dưới 16 tuổi). Trong vụ án này, có hai trẻ em bị sát hại

- Giết người để thực hiện tội phạm khác. Hai hung thủ đã giết các nạn nhân để cướp tài sản.

- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" (Điểm k Khoản 1 Điều 48 BLHS).

Trong BLHS còn có tình tiết định khung tăng nặng "giết người vì động cơ đê hèn”, hai đối tượng có bị áp dụng tình tiết này?

* Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/ TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP đã giải thích ”vì động cơ đê hèn" là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Vụ án này, cảnh sát cho hay Dương khai nhận anh ta có quan hệ tình cảm với Ánh Linh nhưng vì gia đình ông Mỹ ngăn cản nên Linh chủ động chia tay. Khoảng tháng 4/2015, Dương nảy sinh ý định cướp tài sản, giết Linh và gia đình ông Mỹ để trả thù. Như vậy, theo tôi, mục đích trả thù của Dương là thấp hèn, ích kỷ và phải xác định phạm tội giết người vì động cơ đê hèn.

- Các đối tượng có tình tiết giảm nhẹ nào không?

* Nếu Dương và Tiến thành khẩn khai báo thì có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" theo quy định tại Điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS.

-  Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo, một lãnh đạo công an cho biết trong vòng một tháng sẽ đưa ra xét xử lưu động vụ án này. Với thời gian nhanh như vậy, có phải vụ án này sẽ được áp dụng thủ tục rút gọn?

* Thủ tục rút gọn là thủ tục có thời gian điều tra, thời gian tạm giữ, tạm giam, thời hạn truy tố và thời hạn xét xử được rút ngắn so với thủ tục tố tụng thông thường và cơ quan điều tra không cần phải ra kết luận điều tra. Điều 319 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

*  Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

*  Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

* Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

* Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Từ quy định trên cho thấy, vụ án này sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn vì có hai điều kiện không thoả mãn: Người thực hiện hành vi phạm tội không bị bắt quả tang và tội phạm đã thực hiện không phải là tội phạm ít nghiêm trọng.

-  Không được áp dụng thủ tục rút gọn, thì việc đưa vụ án ra xét xử trong vòng một tháng như vị cán bộ nói ở trên có phạm luật?

* Nếu trong vòng một tháng tới, vụ án này đã được đưa ra xét xử thì cũng không phạm luật nếu vẫn tuân thủ đầy đủ các giai đoạn tố tụng: Từ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra kết luận điều tra, ra cáo trạng truy tố cho đến quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vì đối với từng giai đoạn tố tụng, BLTTHS chỉ quy định thời hạn tối đa buộc phải kết thúc, chứ không quy định thời gian tối thiểu.

* Ai được thừa kế tài sản?

Cả nhà qua đời, ai sẽ hưởng tài sản tỉ phú?
Bé gái thoát chết sẽ được người giám hộ quản lý tài sản cho đến khi trưởng thành 

* Vụ án này còn làm phát sinh vấn đề quản lý, thừa kế tài sản của những nạn nhân đã chết. Nhiều khả năng vợ chồng ông bà Mỹ vẫn chưa lập di chúc để định đoạt người thừa hưởng. Trong trường hợp này, ai sẽ là người thừa kế khối tài sản của ông bà Mỹ để lại?

*  Nếu như không có di chúc, thì tài sản của ông bà Mỹ sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Như vậy, những người sẽ được hưởng thừa kế di sản của ông bà Mỹ để lại là bé gái 18 tháng tuổi, người con duy nhất của ông bà Mỹ thoát nạn trong vụ án; và cha đẻ, mẹ đẻ của ông bà Mỹ (nếu họ vẫn còn sống).

* Tạm thời di sản sẽ do ai quản lý?

* Căn cứ Điều 638 BLDS thì người quản lý di sản của ông bà Mỹ để lại sẽ do người thừa kế thỏa thuận cử ra (trong trường hợp không có di chúc chỉ định người quản lý di sản). Nếu di sản vẫn không có người thừa kế quản lý thì sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

* Hiện bé gái vẫn chưa đủ tuổi để tự mình quản lý tài sản (là di sản được hưởng). Vậy ai sẽ là người được giao trách nhiệm quản lý tài sản cho bé?

* Trường hợp này sẽ do người giám hộ của bé gái thực hiện. Điều 66 BLDS đã quy định người giám hộ có nghĩa vụ "Quản lý tài sản của người được giám hộ".

* Ai sẽ là người giám hộ của bé gái?

* Điều 61 BLDS quy định: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, được xác định như sau:

* Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

* Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

* Do bé gái không còn anh chị ruột nên người giám hộ cho bé trước tiên sẽ là một trong những người là ông bà nội ngoại của bé.

* Việc ông bà nội ngoại sẽ là người giám hộ có thể phát sinh xung đột về lợi ích gây bất lợi cho bé gái trong việc phân chia di sản hay không?

* Thực tế cũng có thể xảy ra trường hợp này. Ông bà nội ngoại của bé cũng đều là các đồng thừa kế như bé. Nếu một trong số họ lại trở thành người giám hộ, tức là có quyền đại diện cho bé trong việc thoả thuận phân chia di sản giữa những người thừa kế thì cũng có thể gây bất lợi, nhận phần di sản ít hơn cho bé.

* Luật có cấm những người đồng thừa kế lại là người giám hộ cho người đồng thừa kê khác?

* Hiện nay, luật không cấm. Điều 60 BLDS chỉ quy định: "Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

* Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

* Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

* Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ".

* Vậy có cơ chế nào để đảm bảo công bằng cho bé trong việc phân chia di sản thừa kế?

* Để đảm bảo công bằng cho bé gái trong việc phân chia di sản, có thể áp dụng những quy định của BLDS như sau:

* Thứ nhất, về nguyên tắc phân chia di sản thừa kế: "Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau". (Khoản 2 Điều 676).

* Thứ hai, quy định giám sát việc giám hộ. Theo quy định tại Điều 59 BLDS thì bác, chú, cậu, cô, dì của bé sẽ là người giám sát việc giám hộ. Trong trường hợp bé không có bác, chú, cậu, cô, dì thì UBND cấp xã nơi cư trú của bé sẽ cử người giám sát việc giám hộ. Người giám sát việc giám hộ có trách nhiệm: "Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ".

* Từ đó, thoả thuận phân chia di sản của do người giám hộ thay mặt cho bé xác lập chỉ có hiệu lực khi có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Khoản 3 Điều 69 BLDS quy định: "Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ".

* Tiếp theo, người giám hộ sẽ bị thay đổi nếu "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ" theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 BLDS.

* Đặt giả thiết, ông bà Mỹ vẫn còn khoản nợ phải trả, khi đó sẽ xử lý như thế nào?

* Trường hợp này sẽ xử lý theo quy định tại Điều 637 BLDS. Cụ thể như sau: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại cho đến hết phần di sản thừa kế mình được nhận.

* Câu hỏi cuối cùng, trở lại với hai thủ phạm, ông có dự đoán gì về mức án dành cho các đối tượng?

* Do cả hai đối tượng đều có nhiều tình tiết định khung tăng nặng trong khung hình phạt cao nhất là tử hình, tôi dự đoán các đối tượng khó thoát án tử hình. Tuy nhiên làm sao để không xảy ra những vụ án tương tự, đó mới là điều nhiều người trăn trở sau vụ án thảm khốc này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Xa lộ Pháp Luật