Dấu hiệu khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đã tràn xuống đường

Sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc là hậu quả của việc nền kinh tế nước này giảm tốc trong vài năm trở lại đây. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu cho thấy họ không đủ khả năng để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Dấu hiệu khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đã tràn xuống đường

Nếu có một vấn đề đáng quan tâm nhất đối với kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại thì đó là tình trạng “thất nghiệp ẩn”, khi số lao động Mỹ phải làm công việc bán thời gian đang quá lớn, vốn được xem như hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế 2007-2009.

Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng là với tình trạng và số lượng ở mức cao hơn rất nhiều. Một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao, như Mỹ cách đây vài năm; cũng tương tự như vậy, một nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao cũng đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. 

Không hẹn mà gặp, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang phải đối mặt với chung một vấn đề ở thời điểm hiện tại - thất nghiệp ẩn (Hidden Unemployment). Thất nghiệp ẩn (hay “thất nghiệp trá hình”) là tình trạng một bộ phận lao động trong nền kinh tế phải chấp nhận tình trạng những việc làm bán thời gian có thu nhập thấp (như trường hợp của Mỹ), hoặc những lao độngthất nghiệp bị buộc phải chấp nhận mưu sinh với mức thu nhập quá thấp nhưng lại bị che giấu và không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp chính thức (điển hình ởTrung Quốc).

Đây là một trong những chỉ số vĩ mô quan trọng nhất để đánh giá chính xác sức khỏe của một nền kinh tế, nhưng lại thường bị lờ đi, hoặc là vì không thể phân loại và thống kê chính xác như trường hợp của Mỹ, hoặc là vì cố tình che giấu như trường hợp của Trung Quốc.

Ở Mỹ hiện có khoảng 6 triệu người chấp nhận việc làm bán thời gian trong khi muốn có một công việc toàn thời gian. Đây là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy những hệ quả di chứng từ giai đoạn khủng hoảng kép kinh tế tài chính 2007-2009 vẫn tồn tại trong nền kinh tế Mỹ, khi đây là con số thất nghiệp ẩn cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây (trừ giai đoạn 2007-2009).


Đó là một trong những lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngần ngại chưa muốn tăng lãi suất đồng USD, lý do là tỷ lệ thất nghiệp ẩn quá cao đang là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang gặp vấn đề rắc rối và vì thế cần phải thận trọng trong việc nâng lãi suất, vốn là việc có tác động rất lớn với nền kinh tế Mỹ.

Ở Trung Quốc tình trạng thất nghiệp ẩn dường như còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức được chính phủ Trung Quốc công bố trong giai đoạn 2011-2015 là khoảng 4%, nhưng theo tính toán của Fathom Consulting thì con số thực phải ở vào khoảng gấp 3 lần, ở mức 12,9%. Công ty phân tích có trụ sở ở London này cho rằng “Vấn đề thất nghiệp ẩn trong nền kinh tế Trung Quốcđang ở mức đáng báo động và điều đó đang tạo nên sức ép lớn chưa từng có với chính phủ nước này”.

Trên thực tế, cách tính toán, phân loại và thống kê thất nghiệp của Trung Quốc có sự khác biệt nhất định với các quốc gia khác trên thế giới, ở Trung Quốc quá trình thống kê này dựa trên số lượng người đăng ký chính thức ở các thành phố, đồng nghĩa với việc loại ra ngoài khoảng 270 triệu người lao động nhập cư tại các thành phố trên toàn quốc. Không ai có thể dám chắc trong số 270 triệu người lao động nhập cư này có bao nhiêu người đang ở trong tình trạng thất nghiệp, hoặc thất nghiệp ẩn.

Sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc là hậu quả của việc nền kinh tế nước này giảm tốc trong vài năm trở lại đây. Đó là kết quả tổng hợp của việc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, cộng với việc các DN nội địa giảm quy mô hoạt động và sa thải bớt nhân công điển hình là các công ty xác sống (zombie company) thường là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước.

Trong nhiều năm, Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới, với rất nhiều các công ty và tập đoàn nước ngoài đến đầu tư để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, vì thế khi giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng mạnh và các nhà đầu tư rút vốn, việc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh đi kèm với sự giảm tốc kinh tế là điều khó có thể tránh khỏi.

Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu cho thấy họ không đủ khả năng để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 5.3.2016, thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố mục tiêu của chính phủ Trung Quốc trong năm 2016 là tạo thêm được khoảng 10 triệu việc làm tại các thành phố ở nước này.

Đây được xem là một mục tiêu đáng thất vọng, khi theo thống kê hàng năm ở Trung Quốc có khoảng 7,65 triệu sinh viên mới ra trường và cũng chừng đó lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông bắt đầu tìm việc làm. Chỉ riêng số này đã lên tới trên 15 triệu người, chưa kể số lao động dự kiến sẽ mất việc do chính phủ điều chỉnh hoạt động của các công ty nhà nước, ước tính khoảng 5-6 triệu người.

Như vậy, mục tiêu tạo thêm việc làm của chính phủ Trung Quốc chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu việc làm của xã hội trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp ẩn, tức những lao động phải chấp nhận công việc bán thời gian, trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên.

Một điển hình nền kinh tế từng trải qua khủng hoảng sẽ có tỷ lệ thất nghiệp và thất nghiệp ẩn cao, kể cả khi nó đã hồi phục là kinh tế Mỹ. Tương tự, một nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp và thất nghiệp ẩn cao cũng sẽ nhiều khả năng phải đối mặt vớikhủng hoảng, mà Trung Quốc là một ví dụ. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng diễn ra chậm rãi và lâu dài, đẩy nền kinh tế vào tình trạng trì trệ kéo dài thay vì sụp đổ nhanh chóng trong một chốc một lát.

Theo Nhàn Đàm ( Bloomberg / MTG )