Đề xuất tăng thuế cực cao với các mặt hàng mà nhiều phụ nữ 'ghét cay ghét đắng'

Đó là những mặt hàng gây hại rất lớn cho sức khoẻ nhưng đang được cánh mày râu tiêu thụ với số lượng lớn, chúng đã nằm trong diện đề xuất tăng thuế.

de-xuat-tang-thue-cuc-cao-voi-cac-mat-hang-ma-nhieu-phu-nu-ghet-cay-ghet-dang

Rượu, bia, thuốc lá... là những mặt hàng đang được đề xuất đánh thuế cao để bảo vệ sức khoẻ người dân. Ảnh: Freepik

Tăng thuế với rượu, bia

Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ gồm thuốc lá, rượu, bia. Mục tiêu của việc tăng thuế là để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân.

Đối với mặt hàng rượu, bia, hiện nay, thuế các mặt hàng này ở Việt Nam còn thấp. Theo tính toán của WHO, thuế TTĐB mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.

Rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%).


Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh

Trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở người >=15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/ người/ năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7.9 lít.

Thuốc lá cũng nằm trong diện kiến nghị tăng thuế

Với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính cho biết, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66% đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá.

Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%.

Năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 75%, trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,..

Về tác hại của thuốc lá, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: "25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam;

Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%; Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao".

Nói về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá thông tin, số tiền mua thuốc lá trung bình lên đến 49.000 tỷ đồng; Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP.

Theo GiaDinh