Gặp phải kiến ba khoang nếu còn làm điều này là bạn đang tự hại mình

Theo các bác sỹ, hiện đang là vào mùa kiến ba khoang. Khi gặp phải loại côn trùng này không nên làm điều sau để tránh tự hại mình.

Thời gian gần đây, tại BV Da liễu Hà Đông cơ sở hai, bệnh viện Da liễu TƯ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tổn thương da vì kiến ba khoang. Số lượng vào viện tăng 20% so với những tháng trước.

Nói về những sai lầm trong việc xử lý các tổn thương do kiến ba khoang gây ra, ThS.BS Nguyễn Tiến Thành - BV Da liễu Trung Ương cho biết đó là việc rất nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị, ra hiệu thuốc tự bắt bệnh theo hướng zona, giời leo... do nhầm lẫn với bệnh này. Thậm chí dùng lá cây, thuốc màu bôi tùy tiện vào vết thương. Chính những điều này đã vô tình làm cho vết thương trở nên nặng, loét rộng hơn và dễ để lại sẹo thâm.

gap-phai-kien-ba-khoang-neu-con-lam-dieu-nay-la-ban-dang-tu-hai-minh

Triệu chứng của hai cái giống nhau là đau rát và viêm da bọng nước. Tuy nhiên, với bệnh zona thường chỉ bị một nửa người, không bao giờ bị cả hai nửa người. Tổn thương do kiến ba khoang gây ra thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Nếu ngứa gãi quệt ra vùng ra lành dù không có sự hiện diện của kiến ba khoang thương tổn vẫn tiếp tục xuất hiện. Tốt nhất, khi thấy xuất hiện những vết đỏ đừng nên tự ý “chẩn” bệnh mà nên đến cơ sở da liễu khám để tránh tự hại bản thân mình.

Còn theo BS Đinh Doãn Thạch – BV Da liễu Hà Nội cơ sở 2, một sai lầm thường gặp nhất là nhìn thấy kiến ba khoang trong nhà hay bám trên người, quần áo, đồ đạc là phản xạ dùng tay giết chết, chà xát chúng. Nếu còn làm điều này là bạn đang tự hại mình. Mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ bắt vứt đi, thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào để chúng bò lên rồi lấy ra khỏi người, tránh tiếp xúc trực tiếp. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch.

Hầu hết bệnh nhân đến viện khám tổn thương da do tiếp xúc chất tiết của kiến ba khoang không phải do con vật này đốt mà vì mọi người có thói quen tự dùng tay trực tiếp giết kiến. Điều này làm cho chất tiết của con vật dính vào da gây tổn thương. Bởi trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ).

Thời điểm này hiện đang vào mùa kiến ba khoang chúng liên tục tấn công ở nhiều khu dân cư, khu chung cư khiến người dân bất an. Để phòng ngừa bị kiến ba khoang cũng như các côn trùng khác đốt, bác sỹ khuyên trong mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn 3 loại: Cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan, kem Fobancort.


Khi chẳng may bị kiến ba khoang hoặc côn trùng đốt sơ cứu đúng cách sẽ làm các tổn thương giảm nhẹ rất nhiều. Theo đó, nếu chẳng may bị côn trùng đốt, trong đó có kiến ba khoang lần lượt làm từng bước:

- Bước 1: Dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này.

- Bước 2. Bôi mỡ corticoid. Khoảng 4-6 lần một ngày.

- Bước 3. Bôi kem phenaegan hoặc Fobancort… ngày vài lần. Khi bôi nên miết mạnh ở vùng da bị đốt đến khi thuốc khô, thẩm thấu thuốc sẽ tốt hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng côn trùng, kiến ba khoang bay vào nhà nên hạn chế mở cửa, buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Giữ vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ.

Theo GiaDinh