Hàng lậu Trung Quốc gây đổ vỡ sản xuất: Khóc vì đâu?

Sở dĩ hàng Trung Quốc có đất sống vì nền sản xuất của chúng ta quá lạc hậu, dân khát đồ rẻ và người buôn vẫn tìm thấy lợi nhuận ở đây.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam phân tích dưới góc nhìn kinh tế học đã chỉ ra nguyên nhân và lý do các mặt hàng Trung Quốc luôn được người dân chào đón ở thị trường Việt Nam và đây chính là cơ sở để tạo áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như nền kinh tế quốc gia. 

PV: - Một nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam vừa công bố đã chỉ rõ tình trạng buôn lậu ngày càng phổ biến từ Trung Quốc về Việt Nam đang “làm đổ vỡ sản xuất trong nước”, gây khó khăn cho nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Xin ông có thể phân tích kỹ hơn về nhận định này?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Nghiên cứu này đang chỉ ra một thực tế khách quan đã tồn tại từ lâu. Tức là nhìn theo nguyên tắc của kinh tế học thì chính là sự cạnh tranh và sinh lợi.

Có thể thấy một điều rõ ràng là nhiều mặt hàng Trung Quốc xuất hiện trên thị trường Việt Nam rất lạc hậu và thậm chí là tồn kho của họ nhưng có thể là Việt Nam đang rất cần. Sẽ có một số người cảm thấy mua được rẻ và tìm được lợi nhuận từ đây.

Tức là với những mặt hàng này người tiêu dùng thì thấy mình được mua rẻ, còn kẻ đi buôn thì tìm được lợi nhuận. Và như vậy khâu trung gian đang được hưởng lợi còn nhà nước mất nguồn thu và dở nhất là làm cho một số ngành sản xuất của Việt Nam bị đổ vỡ.

Không cần phải nghiên cứu gì sâu xa hãy nhìn những sạp hàng trải dài hai bên đường phố với la liệt quần áo, giày dép đến đủ các sản phẩm gia dụng... có thể thấy được loại hàng này đang lấn lướt thị trường trong nước thế nào.


Hồi đầu, hàng Trung Quốc đổ bộ dọc theo bờ biển, những mặt hàng rẻ và là sản phẩm của nền công nghiệp Hưng Chấn. Thế nhưng chúng ta lại còn tệ hơn thời Hưng Chấn của họ rất nhiều cho nên người dân luôn 'khát' hàng rẻ.

Điều này có thể lý giải vì sao người dân vẫn đang chấp nhận những sản phẩm đó dù rằng vẫn nghe những lời cảnh báo không tốt.

Nếu như với Hàn Quốc thì những mặt hàng của Trung Quốc sẽ không có đất sống, nhưng tiếc thay những mặt hàng của họ đến Việt Nam thì lại nhiều người mua.

Và chính sự lạc hậu, chậm phát triển nền công nghiệp của ta cũng như chính sách bảo hộ đi chậm dẫn đến việc khó mà cạnh tranh được khi những mặt hàng rẻ hơn cả nguyên liệu tồn tại được trên thị trường.


Cần đặt câu hỏi vì sao những mặt hàng này có thể bày bán công khai trên thị trường

PV: - Nhìn tổng thể, liệu có phải chỉ tình trạng buôn lậu là nguyên nhân gây “đổ vỡ sản xuất” hay không, thưa ông? Bởi như nhiều chuyên gia đã phân tích, chính sách hàng giá rẻ của Trung Quốc cùng với những quy định thương mại giữa hai bên khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam với mức giá vô cùng cạnh tranh?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Có lẽ tình trạng buôn lậu gây đổ vỡ sản xuất chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Bởi lẽ nhìn sâu xa trong câu chuyện này chúng ta phải khóc vì việc cố giữ nền sản xuất cổ hủ không cạnh tranh được với thế giới bên ngoài, do không có được môi trường điều kiện và sức sống thực sự.

Thế nhưng để có được môi trường đó đủ sức cạnh tranh là kết quả xây dựng của toàn hệ thống kinh tế để cho nền kinh tế có sức sống, luôn luôn đổi mới, luôn tiếp cận hiện đại và tiến lên thì phải làm thế nào? Thực tế chúng ta chưa làm được điều đó, trong khi nhiều chính sách lại không rõ ràng.

Cho nên có thể nói nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải chịu rất nhiều khổ nạn vì sự chuyển biến chậm chạp của mình trước sự chuyển biến nhanh chóng của nhân loại. Khi trình độ của mình còn quá thấp thì nói gì đến chuyện cạnh tranh?

PV: - Đứng ở góc độ sản xuất trong nước, nhìn vào kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đầu năm sẽ thấy, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp nhẹ và máy móc thiết bị chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ hội nào để hàng Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc trong khi vẫn đang tồn tại sự phụ thuộc như vậy, thưa ông?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Thực sự ở thời điểm này rất khó để nhìn thấy cơ hội cho hàng Việt Nam có thế cạnh tranh và thoát khỏi 'vòng kim cô' này.

Đã có thời điểm mặt hàng vải của Trung Quốc còn rẻ hơn cả bông của Liên Xô. Trong khi đó từ bông còn phải qua nhiều công đoạn khác nữa mới có thể sản xuất được ra vải và làm quần áo.

Trước câu chuyện này cần phải nhìn nhận thuế chỉ là một điều rất nhỏ. Câu chuyện lớn hơn là chúng ta đã để nền kinh tế quá lạc hậu. Trong khi cách quản lý tiểu ngạch lại lỏng lẻo mới có chuyện hàng hóa dễ dàng tràn vào.

Tức là câu chuyện quản lý ở đây cũng có vấn đề. Cần đặt câu hỏi vì sao hàng Trung Quốc lại có thể tràn vào, ngang nhiên bày bán khắp nơi trên thị trường như vậy?

Giả sử hình thức đánh thuế trực tiếp tới các cửa hàng, cửa hiệu rồi bày bán tự do được siết chặt thì liệu hàng Trung Quốc có còn đất sống hay không?

PV: - Hậu quả của sự “đổ vỡ sản xuất trong nước” là như thế nào? Tại thời điểm hiện tại, đã có những tín hiệu nào chứng tỏ Việt Nam đã bắt đầu gánh nhận hậu quả đó chưa? Xin ông phân tích cụ thể?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Điều này chúng ta có thể thấy từ con số các doanh nghiệp chết, giải thể, thua lỗ liên tục được đưa ra trong suốt thời gian qua.

Chúng ta đang phải giải quyết những hậu quả từ việc nhập công nghệ lạc hậu về làm môi trường ô nhiễm, tốn năng lượng và hàng hóa thì không thể cạnh tranh.

Từ những điều này dẫn đến sự chất lượng tăng trưởng thời gian qua rất kém. Chúng ta không phải đi lên từ sự tiến bộ thực sự mà vẫn đang dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và bán sức lao động rẻ mạt.

Lỗi lớn nhất của chúng ta là để mình quá lạc hậu và thua kém. Trong 3 thập kỷ vừa qua đất nước chúng ta tăng trưởng với mô hình xấu và đổi mới khập khiễng nên nền kinh tế của ta sờ đâu cũng thấy yếu. Chính vì thế 'sức đề kháng' của nền kinh tế rất kém mỗi khi có bất cứ một sự tác động nào đó.

Cho nên có thể nói cái đáng lo đó là năng lực trí tuệ, năng lực nhận biết. Chúng ta đang pthuộc cả về nhận thức lẫn hành vi của con người.

Cho nên đây là một thực tế phải chấp nhận. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại nền kinh tế và nhanh chóng lược những tế bào không còn sức sống.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc (Đất Việt)