Làm thế nào để biết bạn đang thiếu canxi và khi nào cần bổ sung?

Sự thiếu hụt canxi có thể dẫn đến chứng loãng xương, làm yếu xương và có thể gây gãy xương ở hông, cột sống và cổ tay, đặc biệt là ở người cao tuổi. Chế độ ăn thiếu canxi là một trong nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mất xương.

1. Nhu cầu canxi tùy theo từng đối tượng

Canxi là một khoáng chất rất cần cho xương và các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo hoạt động của thần kinh và sự đông máu bình thường.

Nhóm đối tượng dễ có nguy cơ thiếu canxi là trẻ nhỏ và trẻ em độ tuổi tăng trưởng như trẻ ở lứa tuổi tiền dậy thì, dậy thì; phụ nữ mang thai nhu cầu canxi cao, phụ nữ cho con bú, người cao tuổi. Mọi người có thể căn cứ theo tiêu chuẩn lượng canxi cho từng lứa tuổi theo khuyến cáo để biết nhu cầu canxi phù hợp.

lam-the-nao-de-biet-ban-dang-thieu-canxi-va-khi-nao-can-bo-sung

Thiếu canxi có thể dẫn đến bệnh loãng xương .

 

Dưới đây là nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y tế đưa ra và tiêu chuẩn này được dùng làm căn cứ để bổ sung canxi cần thiết cho từng đối tượng:

  • Trẻ từ 0 - 6 tháng: cần 300mg canxi /ngày.
  • Trẻ từ 6 - 11 tháng: cần 400 mg canxi/ngày.
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: cần 500 mg canxi/ngày.
  • Trẻ từ 4 - 6 tuổi: cần 600 mg canxi/ngày.
  • Trẻ từ 7 - 9 tuổi: cần 700 mg canxi/ngày.
  • Người từ 10 - 18 tuổi: cần khoảng 1.000 mg canxi /ngày.
  • Người từ 18 - 50 tuổi: cần khoảng 1.000mg canxi /ngày.
  • Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần bổ sung lượng canxi nhiều hơn với khoảng từ 1.200 mg - 1.500 mg canxi /ngày.

2. Thiếu canxi ảnh hưởng tới nhiều chức năng trong cơ thể

Theo TS. BS. Trần Thị Bích Nga - chuyên khoa Dinh dưỡng, ảnh hưởng của thiếu canxi sẽ dẫn đến những nguy cơ: Thiếu xương (mật độ khoáng của xương thấp hơn bình thường); Loãng xương (mật độ xương rất thấp); Tăng nguy cơ gãy xương.


Khi lượng canxi thấp trong máu, đặc biệt là trong thời gian dài, có nghĩa là sẽ có ít canxi hơn trong xương. Cơ thể sẽ lấy hoặc tái hấp thu canxi từ xương hoặc răng để duy trì mức canxi trong máu đầy đủ. Điều này sau đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương trong tương lai.

lam-the-nao-de-biet-ban-dang-thieu-canxi-va-khi-nao-can-bo-sung

Một số biểu hiện khi bị thiếu canxi.

Sự thiếu hụt canxi có thể không có triệu chứng. Ví dụ, bệnh loãng xương có thể diễn ra âm thầm trong một thời gian dài. Hầu hết người bị loãng xương không biết mình mắc bệnh này cho đến khi bị gãy xương. Tương tự, dạng thiếu canxi nghiêm trọng nhất, hạ canxi máu, có thể không có nhiều triệu chứng báo trước. Cách để biết bạn có nhận đủ canxi giúp cho xương chắc khỏe hay không thông qua những dấu hiệu sau đây:

  • Cảm giác nóng rát hoặc kim châm ở bàn tay và bàn chân.
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Lo lắng quá mức.
  • Nhức đầu.
  • Co thắt cơ ở bàn tay, bàn chân, cánh tay, chân hoặc cơ vùng mặt.
  • Tê hoặc ngứa ran quanh miệng, ngón tay và ngón chân.
  • Da khô, thô ráp.
  • Rụng tóc từng vùng, cũng có thể là lông mày thưa.
  • Mệt mỏi, mất ngủ.
  • Nhịp tim bất thường.

Nếu bạn gặp đa số những triệu chứng này thì nên đến gặp bác sĩ ngay. Vì chứng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thận, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, vôi hóa não (một loại rối loạn não), đục thủy tinh thể, suy tim sung huyết, co giật, cảm giác nóng rát và kim châm ở bàn tay và bàn chân hoặc hôn mê.

3. Khi nào cần bổ sung canxi?

Mặc dù là một vi chất cần thiết nhưng cơ thể bạn không thể tự tạo ra canxi. Canxi được cung cấp qua chế độ ăn uống của bạn và/hoặc thực phẩm bổ sung.

Khi bạn cung cấp canxi thông qua thực phẩm thì bạn sẽ không bị thừa canxi. Chỉ khi bạn uống các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung canxi quá liều thì sẽ có nguy cơ dư thừa canxi.

Không nên tự ý bổ sung canxi bằng các nguồn khác như thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Vì thừa canxi cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, thậm chí còn nguy hiểm hơn thiếu canxi.

Sau khi đã thăm khám ở cơ sở điều trị uy tín và được chẩn đoán thiếu canxi, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu canxi và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong trường hợp có triệu chứng thiếu canxi nhẹ thì nên bổ sung canxi/vitamin D theo hướng dẫn. Đối với tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng, có thể cần truyền canxi qua đường tĩnh mạch dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Với những người bị mắc suy tuyến cận giáp gây ra lượng canxi trong máu quá thấp, có thể cần bổ sung canxi/vitamin D suốt đời. Bác sĩ cũng có thể kê hormone tuyến cận giáp, thuốc tiêm mỗi ngày một lần và các loại thuốc khác để cải thiện mức canxi của cơ thể.

4. Phòng ngừa thiếu canxi bằng thực phẩm vừa hiệu quả vừa an toàn

TS. BS. Trần Thị Bích Nga cho biết: Cách an toàn và hiệu quả nhất là bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống. Để cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu canxi như: sữa và chế phẩm từ sữa; tôm, cua, cá, ốc; trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; vừng, đậu nành, mộc nhĩ; các loại rau lá xanh như: rau ngót, rau dền, rau cần, rau muống…

lam-the-nao-de-biet-ban-dang-thieu-canxi-va-khi-nao-can-bo-sung

Các loại thực phẩm chứa nhiều canxi.

Ở mọi lứa tuổi, chế độ ăn giàu canxi rất quan trọng để giảm nguy cơ thiếu hụt canxi và tối ưu hóa sức khỏe của xương. Giảm nguy cơ mất xương bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa, phô mai và sữa chua. Các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo chứa nhiều canxi và được tăng cường vitamin D, cung cấp khoảng 300 mg canxi mỗi khẩu phần một cốc.

Theo GiaDinh