Màn hình smartphone làm tăng nguy cơ đột quỵ và ung thư

Hiện nay, các nhà khoa học đang lo ngại rằng việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử phát sáng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe vì nó làm biến đổi nhịp sinh học của con người. 

Các nhà khoa học lo ngại rằng, tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo khiến nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể bị phá hủy. Thông thường, khi trời tối, não của chúng ta sẽ gia tăng sản sinh  hoóc-môn melatonin - chất gây ra cảm giác buồn ngủ và chất này đạt mức cao nhất vào lúc 2 giờ khuya. Trong ngày, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời kích thích đường dẫn truyền thần kinh từ võng mạc (khu vực nhạy sáng ở mặt sau của mắt) đến một khu vực trong não gọi là vùng dưới đồi, là trung tâm điều khiển đồng hồ sinh học của cơ thể.

Khi khu vực này nhận được một tín hiệu từ mắt khi có ánh sáng mặt trời, nó tạm dừng việc phát hành melatonin. Khi mặt trời lặn và bóng tối bao trùm, nó chỉ đạo tuyến tùng bắt đầu sản xuất các hoóc-môn này một lần nữa.

Vừa là tác nhân gây buồn ngủ, melatonin còn có vai trò quan trọng khác, bao gồm giữ huyết áp và lượng đường trong máu ổn định. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc nhiều với các thiết bị phát sáng vào ban đêm như đèn ngủ, máy vi tính, Smartphone: Bphone, Iphone.... việc sản sinh chất này trong cơ thể bị giảm xuống. 

Giáo sư Jim Horne, cựu giám đốc nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Loughborough nói.: “Tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trước khi đi ngủ sẽ ngăn chặn sự sản xuất melatonin, vì vậy có lẽ sẽ trì hoãn giấc ngủ và ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể”.

Nhiều lần giấc ngủ bị trì hoãn hoặc phá vỡ còn khiến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên đến 50% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 15% so với những người có nhịp sinh học bình thường.


Ngoài ra, các nhà khoa học tại Đại học Northwestern ở Chicago, Mỹ cũng dấy lên những lo ngại rằng ánh sáng từ các bóng đèn điện, các thiết bị điện tử cũng làm gia tăng nguy cơ tăng cân. Ngay cả sạc điện thoại bên cạnh giường của bạn cũng ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Họ phát hiện ra việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo làm tăng cơn đói, thậm chí khiến chúng ta ăn thêm 1 bữa tối trước khi đi ngủ.

Một lý do có thể là máy tính xách tay và điện thoại có xu hướng phát ra ánh sáng màu xanh hơn, loại thường đóng vai trò như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho não bộ và nói với đồng hồ cơ thể của chúng ta là trời chưa tối, chưa cần đi ngủ đâu. Hơn nữa kích thích từ ánh sáng xanh lừa đồng hồ sinh học của cơ thể vào suy nghĩ một ngày mới đang bắt đầu và cần bổ sung dự trữ năng lượng cho cơ thể bằng cách phát tín hiệu đói – ăn thôi.

Nguy cơ ung thư

Sử dụng thường xuyên các thiết bị công nghệ vào ban đêm dường như không gây ra bất kỳ tác hại, nhưng tiếp xúc lặp đi lặp lại có liên quan với tăng nguy cơ ung thư. Một báo cáo gần đây trên tạp chí phòng chống ung thư của châu Âu dựa trên phân tích từ 16 nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với  ánh sáng nhân tạo có cường độ cao thường xuyên vào ban đêm có thể tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Nhưng chỉ có ánh sáng nhân tạo cường độ cao, chẳng hạn như ánh sáng chói từ điện thoại hoặc máy tính xách tay mới có tác hại này. Ánh sáng môi trường xung quanh được chiếu sáng một khu vực rộng lớn hơn, chẳng hạn như một ngọn đèn cạnh giường, sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ gây hại.

Nghiên cứu không nói rõ ràng lý do tại sao ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể có tác hại này - nhưng có một giả thuyết cho rằng đó là do nó phá vỡ sự cân bằng hoóc-môn tự nhiên trong cơ thể, từ đó tạo ra môi trường thích hợp cho tế bào ung thư phát triển. Một giả thuyết khác ánh sáng nhân tạo làm giảm sản lượng melatonin vào ban đêm cho phép tăng mức độ estrogen - hoóc-môn tham gia vào sự phát triển của tác nhân gây ung thư vú.

Làm cho trẻ lo lắng

Một nghiên cứu trên tạp chí Sinh lý học và hành vi tìm thấy những con chuột con tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm từ khi còn nhỏ có nhiều dấu hiệu căng thẳng và lo lắng hơn so với những đồng loại ngủ trong điều kiện trời tối. Nguyên nhân là do lượng hoóc-môn căng thẳng cortisol của những con chuột này cao hơn.
Một nghiên cứu khác, được công bố tháng trước kết luận rằng trẻ em có thể nhạy cảm với sự ức chế melatonin từ ánh sáng ban đêm hơn người lớn.


 Trẻ em nhạy cảm với ánh sáng nhân tạo hơn người lớn

Các nhà khoa học tại Đại học Kyushu ở Nhật Bản phát hiện ra rằng trong khi 46% người lớn đều tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm giảm đáng kể lượng melatonin sản xuất, ở trẻ em con số này lên tới 88%. Các nhà nghiên cứu cho biết: "Tỷ lệ ức chế melatonin do ánh sáng nhân tạo ở trẻ em là gần gấp đôi ở người lớn." Như vậy, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ, giảm thời lượng xem TV, dùng máy tính trước giờ đi ngủ là điều cần thiết để hạn chế tác hại cho trẻ.

Làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Chronobiology chỉ ra rằng những người cao tuổi có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường nếu họ ngồi dưới ánh đèn sáng bốn giờ trước khi đi ngủ.

Khi họ kiểm tra các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 2, họ đã tìm thấy những người tiếp xúc với đèn sáng vào buổi tối tăng 50% nguy cơ phát triển bệnh. Đây có thể là bởi vì đồng hồ sinh học của cơ thể cũng có một vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Giáo sư Horne, thành viên của nghiên cứu gợi ý giải pháp giảm tác hại của ánh sáng nhân tạo bằng cách chuyển sang bóng đèn đỏ. 'Đồng hồ cơ thể không quá nhạy cảm với ánh sáng đỏ vì vậy nếu bạn muốn tránh những tác động tiêu cực của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm thì ánh đèn đỏ là một lựa chọn thông minh. "

Gây buồn ngủ vào ban ngày

Tiếp xúc với ánh sáng màu xanh - loại từ điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay - có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào ngày hôm sau, ngay cả khi bạn có được một giấc ngủ ngon. Đó là kết luận của một nghiên cứu gần đây tại Đại học Tsukuba ở Nhật Bản, nơi 9 người đàn ông đã tiếp xúc với ánh sáng màu xanh hoặc không có ánh sáng cho hai giờ trước khi đi ngủ. Mặc dù ở 2 nhóm ngủ trong thời gian tương tự nhau, các nhà nghiên cứu chỉ ra những người tiếp xúc với ánh sáng xanh kém tỉnh táo, mệt mỏi hơn vào sáng hôm sau.

Quá trình trao đổi chất của những người này cũng chậm hơn, cho thấy ánh sáng đã làm gián đoạn khả năng đồng hồ sinh học của cơ thể để khởi động việc vào buổi sáng. Điều này càng khẳng định nồng độ melatonin bị giảm dưới tác động của ánh sáng nhân tạo, dẫn đến làm thay đổi nhịp sinh học của cơ thể.

Theo Hải Vân (Daily Mail/MTG)