Mít Thái 2.000 đồng/kg, rẻ chưa từng có

Đường xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc khiến hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu khiến giá của một số loại nông sản như mít Thái rớt giá kỷ lục.

Việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc đang được các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản tại một số cửa khẩu.

Tuy nhiên, hàng dài xe container vẫn đang nối đuôi nhau và chưa biết đến khi nào sẽ được thông quan, nhiều xe phải quay đầu. Việc khó khăn trong xuất khẩu tại một số cửa khẩu đã khiến nhiều loại cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đang chững lại, một số mặt hàng khó khăn trong tìm đầu ra. Trong đó, giá mít Thái ở ĐBSCL đã xuống 4.000/kg, thậm chí có nơi 2.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ.

mit-thai-2-000-dong-kg-re-chua-tung-co

Mít Thái ùn ứ tại cửa ngõ vào cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Vietnamnet

 

Cửa khẩu đóng cửa, dòng xe container xếp hàng dài tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã khiến cho nhiều nông dân vùng ĐBSCL không khỏi lo lắng. Hiện nay, nhiều loại trái cây của vùng đang bước vào thu hoạch rộ, giá giảm từng ngày nhưng vẫn không thể tiêu thụ được do doanh nghiệp thu mua cầm chừng, thương lái bỏ cọc, người dân xoay sở đủ kiểu chưa tìm được đầu ra.

Anh Thanh, chủ nhà vườn ở Cần Thơ cho biết trên VnExpress, cả vườn mít đã đến vụ thu hoạch nhưng giá bán chỉ khoảng 5.000 đồng một kg. Nếu không bán nhanh, giá sẽ còn giảm nữa vì không có thương lái thu mua. Với giá này, gia đình anh sẽ phải chịu lỗ nặng.


"Đến nay, tình trạng xe container ùn ứ tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc vẫn khá trầm trọng. Nhiều thương lái đang phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Do đó, hoạt động thu mua mít hiện rất chậm", anh Thanh nói và cho biết nhiều nông dân ở vùng sâu thậm chí phải bán giá mít xô tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng một kg.

mit-thai-2-000-dong-kg-re-chua-tung-co

Đầu ra khó khăn khiến giá mít Thái rớt thê thảm. Ảnh: Tiền Phong

 

Với giá bán như hiện tại, người trồng mít không thể tính đến chuyện lời lãi như những vụ trước. Khó khăn chung là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá vật tư phân bón tăng "chóng mặt" trong thời gian qua cũng khiến người dân băn khoăn có nên tiếp tục chăm sóc cho trái vụ sau nữa hay không, bởi chi phí đầu tư phân thuốc quá cao, nếu không đành "treo cây" chờ tín hiệu thị trường…

Anh Huỳnh Văn Tư (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết trên Tiền Phong, mít loại 1 tại vườn hiện giảm còn 10.000 đồng/kg, tại vựa là 12.000 đồng/kg; còn mít loại 2 (mít kem lớn) còn 5.000 đồng/kg, mít kem nhỏ còn 3.000 đồng, còn mít bán ở chợ còn 1.000 đồng/kg.

Theo anh Tư, cây mít cho thu hoạch nhiều đợt trong năm và giá lên xuống cũng thường xảy ra. Mặc dầu vậy, với giá bán hiện nay thì người trồng mít không mặn mà đầu tư cho lắm…

mit-thai-2-000-dong-kg-re-chua-tung-co

Các thương lái cũng không mặn mà thu mua mít vì không có đầu ra. Ảnh: Tiền Phong

 

Các thương lái hiện cũng không dám thu mua với số lượng lớn vì không có đầu ra. Mặc dù biết phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu sẽ tiềm ẩn rủi ro, song hiện nay ngoài thị trường Trung Quốc thì việc tìm kiếm các thị trường khác cũng không dễ.

Một khó khăn nữa theo các thương lái là thiếu kho bãi, bảo quản, nếu thu mua nhiều mà không đi được sẽ hư hỏng, nhiều vườn đành để chín trên cây… "Nếu có vốn đầu tư kho chứa thì sẽ mua dự trữ lại, khi thông thương được sẽ bung ra bán, sẽ mua cho bà con được giá nữa. Bây giờ mình không có dụng cụ, không có kho bãi gì, mua về để đó hư thối…" – một thương lái chia sẻ.

Theo GiaDinh