Người tiêu dùng bị "móc túi" vì giá tăng, khối lượng giảm

Trên thị trường có nhiều thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan, cùng với đó là doanh nghiệp tăng giá, nhưng giảm số lượng khiến người dân bức xúc khi mua 1kg nhưng chỉ nhận được 8 lạng...

Tại Hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016" do Viện Kinh tế -Tài Chính, Học viện Tài chính tổ chức ngày 7/7, ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) đã “kêu khổ” hộ người tiêu dùng vì những diễn biến vô lý của giá cả cũng như chất lượng của hàng hóa.

Theo ông Phú, nửa năm qua là giai đoạn cung ứng hàng hoá trên thị trường dồi dào, như cách ví von là người tiêu dùng phải "đi nghiêng" mới chọn được hàng trong siêu thị.

Cung nhiều như vậy, nhưng chất lượng hàng hóa lại không tương xứng, khiến người tiêu dùng phàn nàn, lo ngại vì thực phẩm bẩn tràn lan, không được kiểm soát được.

Người tiêu dùng bị “móc túi” vì giá tăng, khối lượng giảm
Chen nhau mua hàng trong siêu thị - Ảnh minh họa

Không chỉ nỗi lo về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng lại còn thường xuyên bị móc túi một cách vô lý khi mua hàng.

 “Mua 1 kg sản phẩm về cân lại chỉ còn 8 lạng; một gói mỳ nhà sản xuất ghi khối lượng tịnh 80 gram thực tế cũng chỉ 78-79 gram, giá không tăng lên nhưng trọng lượng hàng hoá bị ăn bớt đi, 1 gói mỳ thì người ta có thể không để ý, nhưng nhân lên hàng nghìn, hàng tỷ gói mỳ, đấy hẳn là câu chuyện cần phải bàn lại", ông Phú bức xúc.


Nhiều ví dụ được vị chuyên gia này kể, một giỏ trứng gà ta được bán trong siêu thị ở Hà Nội với giá 45.000 đồng, trong khi cách Hà Nội khoảng 40 km, cũng giỏ trứng ấy người nông dân chỉ bán được 25.000 đồng.

Chẳng cần phải qua biên giới, chỉ cách chừng ấy km mà giá bán đã bị đội lên gấp đôi. “Hàng hoá đến tay người tiêu dùng vẫn phải trải qua quá nhiều khâu trung gian, tầng nấc.

Chuyện cũ nhưng vẫn rất mới, nhức nhối chưa giải quyết được. Người tiêu dùng đã nghèo mà còn bị móc tui vô lý”, vị này nói.

Thực trạng như vậy vô tình tác động ngầm, khiến hàng triệu người tiêu dùng thiệt hại khi tưởng được mua rẻ lại hoá đắt. “Kiểu tăng ngầm này khiến giá hàng hoá cứ bị đẩy lên, tác động gián tiếp vào lạm phát”, ông Phú bình luận.

Cũng lên tiếng phản đối kiểu kinh doanh chộp giật, nhưng Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cả tỏ ra thông cảm với cái khó mà các doanh nghiệp đang mắc.

Theo ông Long, những yếu tố như lãi vay cao, tiếp cận vốn khó… đang triệt tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. “Không còn cách nào khác để tồn tại, doanh nghiệp phải tìm cách tăng giá bán, giảm lượng, cân thiếu… cho khách hàng”, ông chia sẻ.

Cái gốc nảy sinh của tồn tại được ông Vũ Vinh Phú hay Tiến sĩ Ngô Trí Long chỉ ra chính là tình hình không mấy sáng sủa, xét cả về tăng trưởng và lạm phát của nửa đầu năm 2016.

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2016 tại Việt Nam đã tăng 0,46% so với tháng 5 và tăng 2,35% so với cuối năm ngoái.

Sự tăng tốc của CPI trong 6 tháng đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. "Thời gian tới, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên - nhiên liệu khác.

Bên cạnh đó, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương", ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định, 

Tiến sĩ Ngô Trí Long thì coi mức tăng lạm phát 6 tháng đầu năm là một biến số khó lường, đòi hỏi sự cẩn trọng trong chính sách điều hành nửa cuối năm 2016.

“Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, khi các dịch vụ y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá…”, ông Long nêu.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách thâm hụt lớn, buộc Chính phủ phải đi vay để bù đắp. Với các khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu thì với lãi suất cao như hiện nay, muốn giảm lãi suất trên thị trường là cực kỳ khó.

“Trong bối cảnh đó, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế”, Tiến sĩ Ngô Trí Long nói và đưa ra mức dự báo lạm phát 2016 dao động 5,2–5,3%.

Theo tieudung24h