Sau một năm đầy biến cố, Quốc Cường Gia Lai có thoát cảnh kinh doanh ảm đạm?

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018. Tình hình kinh doanh ảm đạm là bức tranh kinh tế được thể hiện trong báo cáo.

Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 54,534 tỷ đồng tăng gần gấp đôi (85%) so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lũy kế đến cuối năm 2018, mức lợi nhuận này chỉ đạt hơn 99 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt gần 407 tỷ đồng (giảm hơn 4 lần). Điều đó cho thấy, sự tăng tốc của quý cuối năm không thể cứu vãn được QCG khi trong năm qua có quá nhiều biến cố xảy ra.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, QCG đưa ra chỉ tiêu doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ tăng tới 139,5% tương ứng là 1.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2017.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh cả năm 2018 chỉ lãi ròng 99 tỷ đồng, rõ ràng, còn cách khá xa so với kế hoạch đặt ra. Đây cũng được coi là con số thấp kỷ lục trong 2 năm qua của công ty từng "làm mưa làm gió" không chỉ ở phố núi Gia Lai.

Trong báo cáo tài chính quý IV/2018 của Quốc Cường Gia Lai cũng nêu rõ, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 213 tỷ đồng, tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2017, biên lãi gộp đạt 17,6%.

sau-mot-nam-day-bien-co-quoc-cuong-gia-lai-co-thoat-canh-kinh-doanh-am-dam

Một số khoản phải trả, phải nộp của Quốc Cường Gia Lai.


Doanh thu hoạt động tài chính trong quý IV/2018 giảm còn 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 38 tỷ đồng (giảm 47%), trong khi chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 11 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay). Lũy kế tới cuối năm, doanh thu này là gần 27 tỷ trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt hơn 429 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận 7.480 tỷ đồng, trong đó bất động sản dở dang lên đến 7.020 tỷ đồng, chủ yếu được tính vào chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng... Cùng kỳ năm 2017, hàng tồn kho là gần 7.000 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày cuối cùng của năm 2018, nợ phải trả của QCG là 6.894 tỷ đồng, trong đó phải trả ngắn hạn khác lên tới 4.925 tỷ đồng.

Khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong năm 2018 là 173 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn lên đến 420 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay dài hạn này, công ty thế chấp nhiều tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất tại Gia Lai, TP.HCM và các dự án cao su, thủy điện.

Mặc dù nợ vay các bên liên quan của QCG sụt giảm mạnh, tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại không có dòng tiền ra bất thường, chi trả nợ gốc vay trong năm chỉ 345 tỷ đồng.

Theo VietQ