Sự thật về công nghệ sản xuất gạo giả náo loạn thị trường

Một đoạn clip đăng tải trên mạng với tựa đề “Hàng ngày mình vẫn làm công việc sản xuất gạo giả” được tung ra trong thời điểm nghi án gạo nhựa tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang.

Sau những hình ảnh ghi lại được, nhiều người cho rằng đó có thể là một xưởng sản xuất nhựa tái chế ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trước những thông tin trên, sáng 9/10, PV đã tìm về địa phương này để tìm hiểu và xác minh làm rõ thực hư.

Về “thủ phủ” bị vu oan sản xuất gạo giả

Mặc dù, các nhà khoa học đã từng lên tiếng phủ nhận về một công nghệ sản xuất gạo giả bằng nhựa để bán ra thị trường, tuy nhiên, liên tục trên các trang mạng xã hội lại đưa thông tin về gạo giả được làm từ nilon khiến người tiêu dùng rất lo lắng. Đặc biệt, sau khi một clip đăng tải về một dây chuyền tự động sản xuất gạo giả trên trang mạng Nadasa TV được chia sẻ một cách chóng mặt, thời gian qua, chùng tôi cũng liên tục nhận được tin của bạn đọc gọi tới để hỏi về những thắc mắc của họ kèm theo những lo lắng bất an khi gạo nhựa có thể được trộn lẫn bán tràn lan trên thị trường. Để cung cấp cho độc giả những thông tin xác thực nhất, PV đã về tận “thủ phủ” được đồn thổi là nơi sản xuất gạo nhựa bán ra thị trường.

Sự thật về công nghệ sản xuất gạo giả náo loạn thị trường

Người công nhân chia sẻ về công nghệ sản xuất nhựa tái chế hiện nay tại thị trấn Như Quỳnh.

Sáng ngày 9/10, PV về thị trấn Như Quỳnh, vùng đất vốn nổi danh là làng nghề sản xuất nhựa tái chế để xác minh về việc sản xuất gạo giả. Thực tế, các cơ sở ở đây đã có thâm niên sản xuất hạt nhựa nhiều năm nay và không có chuyện gạo giả được sản xuất từ nhựa ở địa phương này. Theo đó, các chủ xưởng sản xuất ở thôn Minh Khai – Như Quỳnh khẳng định, làm sao có thể sản xuất hạt nhựa giống như gạo, hơn nữa gạo giả nếu được sản xuất còn đắt hơn cả gạo thật. Anh Tuân, chủ một cơ sở sản xuất nhựa có tiếng ở làng này đã thực sự bất ngờ khi nhận được thông tin ở Như Quỳnh sản xuất gạo nhựa để bán. Anh Tuân cho biết: “Tôi cũng xem clip mà người tung tin cho rằng đó là dây chuyền sản xuất gạo giả. Nó tương tự dây chuyền sản xuất hạt nhựa mà hàng ngàn hộ dân địa phương chúng tôi đang làm, trong đó, các công đoạn cũng giống như vậy. Những sợi nhựa nóng được chảy qua giàn nước lạnh rồi cho vào máy cắt, nhỏ to là do người điều chỉnh máy. Hơn nữa, giá một cân nhựa thành phẩm loại đen và xấu nhất có giá 15.000 đồng. Còn các loại khác có giá gần 30.000 đồng/kg”.


Được biết, các cơ sở ở Như Quỳnh sản xuất hạt nhựa thành phẩm màu trắng đục bán giá tới 25.000 đồng/kg. Trong khi trên thị trường hiện nay, giá gạo loại ngon chỉ có 18.000đồng/kg. “Nếu sản xuất gạo giả thì dân Như Quỳnh chắc chắn lỗ nặng. Bởi không chỉ giá thành 1kg nhựa đắt hơn gạo mà một bì gạo còn nặng hơn một bì nhựa. Do đó, nếu trộn gạo và nhựa vào thì cầm chắc lỗ”, anh Tuân nói.

Để chứng minh, anh Tuân đưa chúng tôi đi tham quan công nghệ và kho chứa hàng tại xưởng sản xuất của mình. Trong xưởng có khoảng 20 lao động đang làm việc, họ đến từ nhiều nơi, tất cả khi được hỏi về thông tin sản xuất gạo bằng nhựa đều tỏ ra rất bất ngờ. Công nhân ở xưởng của anh Tuân khẳng định, không thể có chuyện hoang đường đó vì giá nhựa đắt gấp hai lần gạo. Không chỉ riêng cơ sở sản xuất của anh Tuân, hiện tại thôn Minh Khai đang có cả nghìn cơ sở sản xuất nhựa tái chế hoạt động hết công suất. Chỉ riêng một nhà xưởng nhỏ ở địa phương này một ngày cũng cho ra ít nhất một tấn nhựa thành phẩm. Điều này cho thấy nghề tái chế nhựa ở đây đang rất thịnh vượng.

Cũng trong sáng 9/10, được sự giới thiệu của ông Nguyễn Đăng Nghị, quyền trưởng thôn Minh Khai, PV đã khảo sát hàng chục cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế tại địa phương. Tất cả hộ dân và công nhân sản xuất khu vực này khi được PV đề cập thông tin sản xuất gạo giả được làm từ những dây chuyền sản xuất hạt nhựa tại làng Minh Khai đều tỏ ra vô cùng bức xúc. Nhiều chủ hộ cho rằng, giá gạo thấp hơn giá hạt nhựa, nên hoàn toàn không có chuyện sản xuất hạt nhựa để làm gạo giả. “Các anh phải nói rõ cho người dân cả nước biết, không có chuyện người dân quê tôi lại sản xuất gạo giả. Không ai làm cái chuyện phi đạo đức đó. Hơn nữa, nếu làm như thế, chúng tôi bán nhà trả nợ từ lâu rồi” – một người dân ở thôn Minh Khai bày tỏ.

Người dân và chính quyền phản ứng

Theo quan sát bằng mắt thường, về kích thước hạt nhựa thành phẩm được sản xuất tại thôn Minh Khai to gấp ba lần hạt gạo bình thường. Hiện các cơ sở ở địa phương này sản xuất nhiều loại hạt nhựa có màu sắc khác nhau, nhưng tất cả hạt nhựa ở đây rất thô ráp, có màu đục của nhựa tái chế. Chuyện sản xuất gạo nhựa bằng công nghệ sản xuất nhựa tái chế như video clip đăng tải trên mạng thực sự chỉ là sự ngộ nhận, là trò đùa ác tâm.

Sự thật về công nghệ sản xuất gạo giả náo loạn thị trường

Bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Phó Chủ tịch thị trấn Như Quỳnh.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Phó Chủ tịch thị trấn Như Quỳnh về thông tin gạo giả và được bà cho biết: “Hơn chục năm nay Như Quỳnh đã nổi danh với nghề sản xuất hạt nhựa bán cho các công ty sản xuất túi bóng, vật dụng như thau, chậu, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhìn mắt thường cũng thấy, hạt nhựa to gấp hai lần hạt gạo. Bởi vậy, thông tin các cơ sở sản xuất hạt nhựa ở Như Quỳnh giống như gạo giả là hoàn toàn bịa đặt. Chúng tôi rất bất bình trước thông tin ở địa phương chúng tôi sản xuất gạo giả. Người dân Như Quỳnh không bao giờ làm chuyện này cả. Chính thông tin trên mạng khiến dư luận hiểu sai về địa phương. Mong rằng báo chí phản ánh khách quan về vấn đề này”.

Liên quan đến thông tin gạo giả được sản xuất từ nhựa, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Thông tin gạo giả được làm bằng nhựa là không có căn cứ. Trước hết, nếu xét về động cơ làm hàng giả thì mục đích chính là thu lợi nhuận. Tuy nhiên, để sản xuất một cân gạo giả giá thành phải gấp đôi, gấp ba lần gạo thật. Hơn nữa, gạo bằng nhựa sẽ rất dễ bị phát hiện. Một nắm gạo thật bao giờ cũng nặng hơn một nắm gạo giả. Còn thông tin trong những ngày qua, gạo đem ra hay đốt cháy có mùi khét lẹt, tôi cho rằng có thể do gạo mốc hoặc gạo có chất bảo quản không đúng quy định. Chính vì thế, tôi khẳng định rằng thông tin gạo nhựa tồn tại trên thị trường là không có cơ sở”.

Sự thật về công nghệ sản xuất gạo giả náo loạn thị trường

Những hạt nhựa tái chế hiện nay có hình thô ráp và to gấp hai đến ba lần hạt gạo bình thường.

Cần xử lý nghiêm người tung tin thất thiệt

Luật sư Nguyễn Văn Bình, đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa các thông tin lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là vi phạm pháp luật. Mức độ nhẹ có thể xử lý hành chính từ 20-30 triệu đồng. Trong trường hợp đưa thông tin đó gây thiệt hại nghiêm trọng và cơ quan điều tra chứng minh được người tung tin đó nhờ thông tin thất thiệt đó mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt đến 7 năm tù. Riêng việc tung clip sản xuất gạo giả có tính nguy hại, gây hoang tin ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước cần thiết phải nghiêm trị.

Theo Trinh Phúc – Vũ Phương (NĐT)