Thép mạ kẽm Việt Nam bị kiện bán phá giá tại Australia

Cục Quản lý cạnh tranh vừa nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Ủy ban chống bán phá giá Australia đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam.

 

Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 2 từ thị trường Australia nhằm vào mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sản phẩm bị điều tra trước đây là máy biến thế (năm 2013).

Nguyên đơn cáo buộc rằng hàng hóa xuất khẩu sang Australia với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp thép của Australia qua việc kìm giá, làm suy giảm lợi nhuận, suy giảm tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm khả năng tăng vốn tái đầu tư. Nguyên đơn là công ty BlueScope Steel Limited cáo buộc một số sản phẩm thép mạ kẽm của Việt Nam bán phá giá tại Australia, với biên độ phá giá bị cáo buộc là 16,26%.

Theo số liệu trong đơn kiện về nhập khẩu mặt hàng này của Australia thì trong năm 2013, tổng khối lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 12.524 tấn, chiếm khoảng 6,9 % thị phần nhập khẩu vào Australia.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, ngày 11-7-2014, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết luận cuối cùng khẳng định sự tồn tại của hành vi bán phá giá một số sản phẩm ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Ả-Rập Saudi, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine và sự tồn tại của trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Việt Nam, bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra là Công ty thép SeAH VINA nhận biên độ phá giá cuối là 24,22%. Công ty Hot Rolling Pipe, một bị đơn bắt buộc khác, do từ chối trả lời bản câu hỏi điều tra của DOC, đã bị xem xét dựa trên các chứng cứ sẵn có và suy luận bất lợi; và phải nhận biên độ phá giá bằng với biên độ phá giá toàn quốc của Việt Nam là 111,47%. Đây cũng là biên độ phá giá cao nhất theo cáo buộc của nguyên đơn.


Trước đó, ngày 18-2-2014, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc. Theo đó, các công ty Việt Nam nhận biên độ phá giá từ 9,57% tới 111,47%.

Xuân Bách

Theo NhanDan