237 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, nặng và nguy kịch

Theo Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 có thể diễn biến nặng. Trong đó 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Từ 28/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19 trong nước. Tính tới chiều 26/5, 85 cơ sở y tế đang điều trị hơn 2.800 bệnh nhân COVID-19.

Trong số này, có 1.450 bệnh nhân (gần 50%) không có biểu hiện lâm sàng, 1.187 (40%) có biểu hiện lâm sàng nhẹ, số còn lại là tiên lượng nặng, nặng, nguy kịch (237 ca). 

Hiện có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng, 102 ca nặng phải thở oxy, 14 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 4 ca phải chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)- cho hay, gần 80% bệnh nhân ít triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện. Điều đáng nói nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ như vậy song đã diễn biến nặng lên rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị.

"Các chuyên gia vừa hội chẩn một bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu (SpO2) ở mức 99% (nghĩa là bình thường) nhưng nhịp thở tăng lên, tình trạng khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy trợ giúp", ông Khuê dẫn chứng.

Chiến lược điều trị tập trung vào 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng

Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá "Việt Nam vẫn đang làm chủ được tình hình". Chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.


237 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, nặng và nguy kịch - Ảnh 3.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh: Đức Anh

Hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng không thay đổi nhiều so với các đợt dịch trước. Do tổng lượng bệnh nhân tăng lên nhiều (tổng bệnh nhân trong gần 1 tháng nay (3.100) cao hơn rất nhiều so với 3 đợt dịch trước (2.800), nên số tuyệt đối bệnh nhân nặng tăng mạnh.

Một điều đáng lưu tâm trong đợt dịch này là không ít bệnh nhân COVID-19 trẻ tuổi, khỏe mạnh, không bệnh nền vẫn có thể nhanh chóng chuyển nặng. Điều này, thầy thuốc không thể không cảnh giác. Họ cần được đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.

Trong đợt dịch này đã ghi nhận 9 ca tử vong, hầu hết đều mắc nhiều bệnh nền phức tạp và cao tuổi. Duy nhất, một trường hợp nữ công nhân trẻ tuổi, 38 tuổi, không rõ bệnh nền nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong. "Các chuyên gia đang rút kinh nghiệm điều trị từ những ca tử vong này" - PGS Khuê cho hay.

Võ Thu

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

+Sự thật thông tin "thiếu tá công an qua đời đột ngột" khi đang chống dịch Covid-19

+Người phụ nữ 67 tuổi mắc COVID-19 t.ử v.ong sau 3 lần cấp cứu ngừng tuần hoàn

----