Bí ẩn đằng sau những chiếc ô tô cũ

Khoảng giữa năm 2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một đối tượng trên địa bàn có nhiều giao dịch mua bán xe ô tô cũ đầy nghi vấn. Khi đi sâu vào tìm hiểu, cảnh sát nhận định số giấy tờ mà hắn sử dụng đều là giả và đây có thể là một mắt xích quan trọng của đường dây sản xuất, tiêu thụ tài liệu, giấy tờ giả quy mô lớn.

Nguyễn Kim Long (SN 1980 trú tai Hương Khê, Hà Tĩnh) là đối tượng có 2 tiền án nhưng chưa được xóa án tích. Vào khoảng giữa năm 2023, công tác nắm địa bàn, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện Long có nhiều biểu hiện bất minh về tài chính.

Long chuyên buôn bán ô tô cũ, những chiếc xe này phần lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, Long vẫn có "đầy đủ" giấy tờ để hợp thức hóa rồi bán cho người tiêu dùng.

Sự bất minh của Long nhanh chóng được làm rõ. Các trinh sát khẳng định đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả để phục vụ mục đích kinh doanh xe ô tô của mình. Thời điểm này, việc bắt giữ Long có vẻ khá dễ dàng nhưng Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận định, phía sau đối tượng phải là cả một đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả với quy mô lớn, vì thế mục tiêu không chỉ có Long mà là bóc gỡ toàn bộ ổ nhóm này.

Tiến hành xác minh, các trinh sát biết được Long thường xuyên liên hệ thông qua mạng xã hội để đặt mua giấy tờ giả. Long cũng không biết những người sản xuất, bán "sản phẩm" cho mình là ai. Quy trình mua bán hoàn toàn thông qua các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển.

Công tác trinh sát được Công an Hà Tĩnh triển khai trên nhiều địa bàn tỉnh thành khác nhau. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng các anh cũng "lần" ra đầu mối, xuất phát điểm của những chuyến "hàng" bằng giả.

Nhóm đối tượng này được chia thành 4 nhánh khác nhau. Đầu tiên là nhóm bán phôi giả, thứ 2 là nhóm cung cấp máy móc, thiết bị, thứ 3 là nhóm sản xuất và cuối cùng là những đối tượng quảng cáo, tiếp nhận thông tin từ khách hàng có nhu cầu.


Đường dây này có quy mô cực lớn, hoạt động liên tỉnh và cung cấp số lượng giấy tờ giả "vô hạn" trên địa bàn cả nước.

bi-an-dang-sau-nhung-chiec-o-to-cu

Những giấy tờ được nhóm đối tượng làm giả (ảnh tư liệu).

 

Giữa tháng 8/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Nguyễn Kim Long. Tại cơ quan điều tra, Long khai nhận hành vi mua và sử dụng giấy tờ giả của mình. Căn cứ các tài liệu thu thập được, Công an Hà Tĩnh tiếp tục bắt giữ: Huỳnh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991, trú tổ 1, khu phố 3, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận); Lê Công Thêm (SN 1989, ở khối Tân Sơn, phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An).

Liên tiếp sau đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt triển khai 10 tổ công tác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, tiến hành triệu tập, bắt giữ 20 đối tượng, khám xét khẩn cấp 4 cơ sở sản xuất giấy tờ giả.

Được biết, từ đầu năm 2023, thông qua các mối quan hệ xã hội và tìm hiểu trên internet, các đối tượng gồm: Lê Minh Luân (SN 1985, trú phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh); Đinh Tiến Dũng (SN 1986, ở chung cư SaiGonLand, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) và Phạm Nhựt Trường (SN 1999, trú chung cư TopazHome 2, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) biết được cách thức làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng đã mua sắm các máy móc, thiết bị như: Sim điện thoại không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, máy tính xách tay, máy in màu, máy ép plastic, máy in thẻ nhựa, dụng cụ cắt thẻ, dụng cụ đóng dấu, con dấu giả, phôi bằng lái xe, căn cước công dân, giấy đăng ký xe... rồi lôi kéo các đối tượng khác cùng tham gia.

bi-an-dang-sau-nhung-chiec-o-to-cu

Đối tượng Long bị bắt giữ (ảnh tư liệu).

 

Nhằm tăng mức độ tương tác với các đối tượng có nhu cầu làm tài liệu, giấy tờ giả, Luân, Dũng, Trường thông qua Trương Thị Thủy Ngọc (SN 1993, thường trú tại chung cư 8X Plus, số 162 Trường Chinh, quận 12, TP Hồ Chí Minh) và một số đối tượng khác chạy quảng cáo trên các website để nhằm tăng mức độ xuất hiện theo thứ tự ưu tiên khi các đối tượng có nhu cầu làm tài liệu, giấy tờ giả tìm kiếm trên công cụ google.

Các đối tượng đăng thông tin quảng cáo về việc làm các loại giấy tờ giả với nội dung như đảm bảo uy tín, bảo mật, khó phát hiện; đồng thời, các đối tượng công khai để lại số điện thoại để liên hệ qua Zalo. Các đối tượng có nhu cầu làm tài liệu, giấy tờ giả sẽ liên hệ qua Zalo để trao đổi nội dung liên quan đến việc làm giấy tờ giả.

Tiếp đó, Luân và Long đã tổ chức, phân công cho các đối tượng trong đường dây sử dụng các công cụ, phương tiện để trực tiếp tiến hành sản xuất, làm giả các loại giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức rồi tiếp tục phân công người chuyển đến cho các đối tượng đặt làm giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Với những tài liệu thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 23 bị can về tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trong đó, 1 bị can có vai trò chạy quảng cáo; 2 bị can có vai trò cung cấp máy in, phôi giấy tờ giả; 8 bị can có vai trò trực tiếp sản xuất; 11 bị can vai trò môi giới sản xuất; 1 bị can sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Quá trình đấu tranh chuyên án, cơ quan điều tra đã tạm giữ: 23 xe ô tô, 40 điện thoại di động, 10 máy tính, 10 máy in các loại, 3 máy in thẻ nhựa, 3 máy ép nhiệt plastic, 3 máy dập dấu, 1 máy photo, 239 triệu đồng và hàng trăm con dấu giả, hàng trăm phôi và bằng lái xe, căn cước công dân, giấy đăng ký xe đã làm giả và nhiều nguyên liệu để phục vụ làm giả giấy tờ khác...

Theo GiaDinh