Cam Hà Giang trồng ở Trung Quốc ngập phố Hà Nội

Cam vỏ xanh, mỏng và trơn láng được giới thiệu là “đặc sản” Hà Giang. Tuy nhiên, thực tế chúng đều là cam Trung Quốc gắn mác Hà Giang để lừa người tiêu dùng.

Theo thống kê, chỉ riêng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), hiện mỗi ngày đã có gần 100 tấn cam Trung Quốcđược nhập về Việt Nam. Đa số được tiêu thụ ở khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội.

Trên thị trường hiện nay có bán khá nhiều loại cam như: cam sành, cam xoàn Sài Gòn, cam cara, cam đường, cam Hà Giang... Tuy nhiên, tất cả các loại cam này đều được người bán khẳng định là cam Sài Gòn, cam Hà Giang, cam Hưng Yên hay cam Mỹ. Tuyệt nhiên không có cam Trung Quốc bán trên thị trường.

Cụ thể, trên đường Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Phạm Hùng hay khu vực các chợ trên địa bàn Hà Nội hiện nay có bán khá nhiều loại cam giá rẻ chỉ 25.000 đồng/kg, bên ngoài loại cam này có vỏ màu xanh, vỏ mỏng, bên trong ruột vàng ăn hơi chua. Người bán cho biết đây là cam bóc vỏ, dùng để vắt nước rồi bỏ thêm chút đường để uống hoặc có thể ăn luôn.

Cam Hà Giang trồng ở Trung Quốc ngập phố Hà Nội

Những xe buôn bán "cam Hà Giang" dựng tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội.

Tuy nhiên, tất cả các chủ hàng đều khẳng định loại cam này là cam từ Hưng Yên và các chủ hàng đều cho biết mùa cam ở Hưng Yên bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến khoảng tháng 9 âm lịch là hết.


Cam ''đội lốt'' Hà Giang thường được chia làm 2 loại, loại một được bán cho các cửa hàng rau quả sạch, các quán cafe giải khát với giá 15 nghìn đồng. Họ sẽ dùng cam này để về bán lại hoặc xay sinh tố với giá từ 25-30 nghìn/1kg. Loại 2 thường là những quả nhỏ hơn, bị dập nát ít, lá héo thì giá cũng chỉ dao động từ 8-10 nghìn đồng. Loại này thường được những người bán hàng tạp hoá nhỏ và bán rong mua để bán dạo trên nhiều tuyến đường với giá 15 nghìn đồng.

Một người bán dạo cam trên phố Trần Bình cho biết: "Hàng ngày tôi vẫn bán hết 2 sọt cam, với khoảng 50 kg cam. Đa số người mua là sinh viên, hoặc nhân viên đi làm tiện thể ghé qua. Vì cam rẻ nên đa số họ mua từ 2 đến 3kg trở lên. Có hôm hết hàng sớm, tôi còn phải về nhà lấy thêm cam." 

"Thi thoảng mới có người hỏi tôi xem có phải cam Hà Giang không. Nói chung mọi người không quan tâm xuất xứ cam ở đâu. Tôi nhập cam từ chợ đầu mối, thấy các thương lái ai ai cũng nhập về vì cam này bán chạy lắm mà giá lại rẻ, mưa tại các chợ đầu mối chưa đến 10.000 đồng. Đôi khi bán không hết, tôi cũng đem về nhà ăn". Người bán hàng chia sẻ thêm.

Cam Hà Giang trồng ở Trung Quốc ngập phố Hà Nội

Cam cũng được bày bán lẫn với các loại hoa quả khác tại chợ.

Theo một khách hàng ở từng mua loại cam được gắn mác ở Hà Giang chia sẻ: “Hôm trước, tôi có ra chợ, thấy cam bán 15 nghìn/1kg tham rẻ nên mua 2 kg. Về nhà tôi mang ra cắt để vắt lấy nước uống thì không sao uống được vì chua quá. Nghe quảng cáo cam Hà Giang thì ham nên mua mà không mảy may suy nghĩ. Giờ lên các diễn đàn, các mẹ chia sẻ nhiều trường hợp giống mình mới tá hoả là mua nhầm của Trung Quốc”.

Cầm trên tay hơn 1kg cam xanh, bạn Lê Thị Huyền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết:“Nghe mọi người nói cam này có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng thấy rẻ, nhiều người mua nên em cũng tới nhặt mấy quả về ăn thử. Cam nhiều nước, không có hạt lại khá ngọt. Biết là đồ của Trung Quốc thường có hại cho sức khỏe, nhưng với khoản chi tiêu eo hẹp của sinh viên, giá cả như thế này hợp lý rồi”.

Chị Hà - một tiểu thương tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) thường xuyên mua hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên cho biết loại cam này được nhập từ Trung Quốc với giá khá rẻ, chỉ từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg. Khi ra thị trường, giá cam khoảng 12.000 đồng – 15.000 đồng/kg. “Một ngày chỉ cần bán được nửa tạ cam cũng thu về 500.000 đồng. Vốn bỏ ra thì ít nhưng lãi thì nhiều. Rõ ràng đây là mặt hàng siêu lợi nhuận nên các tiểu thương đua nhau mua mặt hàng này về bán cũng là điều dễ hiểu” - chị Hà nói.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, loại cam bán ở đường phố Hà Nội không phải là cam Hà Giang. Cam Hà Giang có hai loại, loại cam sành mẫu mã không được đẹp như cam sành Sài Gòn, vỏ ngoài khi chín có màu vàng đỏ, cam có vị thơm, ăn ngọt xen lẫn vị hơi chua, có hạt. Còn một loại nữa là cam vỏ xanh gần giống quýt. Tuy nhiên, tại các vườn trồng, cả hai loại cam này vẫn còn nhỏ, đường kính của quả cam mới được khoảng 3cm. Phải đến tầm tháng 10 âm lịch mới có cam Hà Giang bán, chứ bây giờ mà nói có cam Hà Giang bán trên thị trường Hà Nội thì đều là cam từ nơi khác đội lốt cam Hà Giang.

Mùa vụ thu hoạch của cam Hà Giang vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Đặc trưng của loại cam này là màu vàng đỏ đặc trưng cả ở vỏ và trong ruột. Cam có hạt do là giống nguyên bản chứ không phải cam lai; cùi dày. Vị cam Hà Giang cũng ngọt đậm hơn so với cam khác và có vị chua nếu quả chưa chín. Cam Trung Quốc có đặc điểm vỏ mỏng, màu xanh hoặc xanh ngả vàng, tép cam màu vàng chanh, mọng nước và không có hạt.

Theo Huyền Cao (NTD)