Cồn y tế sát khuẩn rất tốt nhưng không chú ý chi tiết này, dễ mua phải hàng giả, họa khôn lường

 Ngoài việc gặp họa khi dùng cồn y tế uống thay rượu, hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi còn phao tin đồn tai hại là uống cồn có thể diệt đươc virus gây bệnh COVID-19.

Cũng chính vì nghe theo tin đồn này, hàng trăm người ở Iran đã mất mạng, trong đó có cả trẻ em vì uống phải cồn công nghiệp có chứa methanol.

Ngộ độc, tử vong vì uống cồn y tế "rởm"

Hiện nay, cồn y tế (cồn ethanol) được sử dụng rộng rãi trong việc phòng chống vi khuẩn, nấm, virus, sát trùng, tiệt trùng các thiết bị, dụng cụ y tế… Trên thị trường, dung dịch thường dùng hiện nay là cồn ethanol 70 độ và cồn 90 độ.

Theo các chuyên gia, dù cồn y tế có tác dụng rất tốt trong việc sát trùng, diệt khuẩn, tuy nhiên nếu người dân mua phải cồn "rởm" (cồn công nghiệp chứa methanol thay vì cồn chứa ethanol) hoặc sử dụng cồn không đúng cách có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy khó lường.

con-y-te-sat-khuan-rat-tot-nhung-khong-chu-y-chi-tiet-nay-de-mua-phai-hang-gia-hoa-khon-luong

Theo các chuyên gia, nếu dùng phải cồn y tế giả, nguy cơ ngộ độc rất lớn. Ảnh minh họa

Đơn cử, mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một nam bệnh nhân bị ngộ độc methanol rất nặng, vào viện trong tình trạng nôn nhiều, lơ mơ, khó thở, mắt không nhìn thấy gì.


Theo lời người nhà, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, do bị ngăn cấm nên đã mua cồn 90 độ về pha uống. Sau đó rơi vào tình trạng trên nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc methanol. Dù được lọc máu cấp cứu nhưng não bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng. Hình ảnh chụp MRI cho thấy, sọ não bị hoại tử nhân bèo (thuộc nhân xám trung ương - còn gọi là thể vân) hai bên, mất thị lực 2 mắt.

Trước đó, một nam bệnh nhân khác ở Kinh Môn, Hải Dương cũng được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch khi tự mua cồn y tế 90 độ để pha thành rượu uống.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong vài năm qua, tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng. Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn do một số người tự ý mua cồn y tế về pha uống thay rượu.

BS Nguyên cho biết, theo ghi nhận của Trung tâm Chống độc, hầu hết các trường hợp uống cồn y tế đều dẫn tới ngộ độc methanol nặng, trong đó có nhiều bệnh nhân đã tử vong.

Trên thực tế, ngoài việc gặp họa khi dùng cồn y tế uống thay rượu, hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi còn phao tin đồn uống cồn có thể diệt đươc virus gây bệnh COVID-19. Cũng chính vì nghe theo tin đồn này, hàng trăm người ở Iran đã mất mạng, trong đó có cả trẻ em vì uống phải cồn công nghiệp có chứa methanol.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, cồn chứa methanol không được đề cập về tác dụng sát trùng. Hơn nữa, loại cồn này nếu bôi rộng trên da thì có nguy cơ ngấm trực tiếp qua da vào máu và có thể gây nhiễm độc và dẫn tới các hậu quả như khi uống phải.

Nhận diện cồn giả bằng cách nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, để phân biệt cồn y tế và cồn công nghiệp "nhái" cồn y tế không đơn giản nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, vì chúng rất giống nhau (không màu, trong suốt).

Khi mua cồn y tế, người dùng nên đọc kỹ các thông tin ghi trên bao bì như tên, thành phần, công dụng, cơ sở sản xuất, số đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm. Trong đó, nên đặc biệt chú ý mục thành phần trong chai cồn.

Theo quy định, cồn y tế phải được đăng ký và công bố chất lượng và chứa từ 70% - 90% ethanol. Cồn y tế chỉ được phép không quá 0,02% methanol và nhiều yêu cầu chất lượng khắt khe khác.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lo ngại, việc nhận diện cũng khó bởi nếu cơ sở sản xuất đã cố tình muốn làm giả, họ có nhiều cách để mập mờ như không ghi thành phần, chỉ ghi cồn 70 độ, cồn 90 độ mà không nêu rõ là ethanol hay methanol. Thậm chí, trên nhãn ghi là hàm lượng ethanol nhưng thực chất bên trong lại là methanol.

Do đó, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất khi có nhu cầu sử dụng cồn y tế, người dùng nên đến các cơ sở uy tín, được cấp phép, lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, thành phần rõ ràng để sử dụng.

Dùng cồn đúng cách

- Trước khi sử dụng, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cồn trên bao bì. Dùng cồn đúng mục đích. Không được uống cồn hoặc tự ý pha cồn với nước để thành rượu uống.

- Cồn là dung dịch dễ cháy, do đó, không để gần bếp đun, nơi dễ bắt nhiệt. Sau khi dùng cồn trên tay cũng hạn chế làm những việc tiếp xúc với lửa, dùng bật lửa, quẹt diêm…

- Bảo quản cồn nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

- Khi bị dính cồn vào mắt phải đi rửa ngay và đến cơ sở y tế gần nhất.

Đầu tháng 3/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, quá trình kiểm soát thị trường phòng chống dịch COVID-19, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm cồn sát trùng diệt khuẩn nhưng lại có thành phần chính là cồn công nghiệp methanol, gây hại cho người dùng.

Mai Khôi

Theo GiaDinh