Công bố cách tính thuế mới trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu

Bộ Tài chính vừa thông báo mức thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền cuối kỳ trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu.

Công bố cách tính thuế mới trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu

Theo đó, thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền cuối kỳ đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%; dầu diezel 0,96%, dầu mazut 3,12% và dầu hỏa là 0,11%.

Bộ Tài chính cho biết mức thuế này dựa trên cơ sở tỷ trọng các mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa và dầu mazut trong quý 1/2018 từ ASEAN, Hàn Quốc và một số nước khác do Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cung cấp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng căn cứ vào thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN, thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, các quy định khác có liên quan.

Trên cơ sở mức thuế đã công bố, Bộ Công Thương căn cứ vào đó để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định từ kỳ tính giá mới vào quý 2/2018. Sau đó hằng quý, Bộ Tài chính sẽ rà soát và thông báo các mức thuế nhập khẩu nói trên để làm cơ sở căn cứ tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo quy định.

Thời gian qua, thuế bình quân gia quyền cuối kỳ để tính giá cơ sở đối với xăng dầu từng gây nhiều tranh cãi ngay từ khi xuất hiện. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng thuế bình quân gia quyền cuối kỳ trong công thức tính giá cơ sở.

Theo đó cách áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính được Kiểm toán Nhà nước cho là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này mà 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.375 tỉ đồng. Năm 2016, từ kỳ điều hành 21.3, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền dù có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế, vì 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.433 tỉ đồng.


Phía Bộ Công Thương cũng cho rằng phương pháp tính thuế bình quân gia quyền cuối kỳ của Bộ Tài chính chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83/2014/NĐ-CP, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới. Cách tính này cũng gây tranh cãi dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Đặc biệt, cách tính này cũng chưa giải quyết hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Theo Motthegioi