Cuốc taxi chiều về đắt gấp 3 lúc đi

Thái độ phục vụ kém, tính cước gian lận, xe bẩn... là những phàn nàn của người tiêu dùng về dịch vụ taxi ở Hà Nội.

Bắt taxi của hãng quen thuộc, anh Nguyễn Trần Hùng (Thuỵ Khuê, Hà Nội) đưa gia đình lên Văn Miếu và mất 42.000 đồng. Lúc ra về, anh Hùng vẫy một chiếc taxi loại xe nhỏ đậu ngay cổng ra. Về đến cửa ngõ, anh tá hoả khi tài xế thông báo hết 128.000 đồng. Cãi lộn một hồi và doạ đưa đến công an, tài xế chỉ đồng ý mức giá 70.000 đồng với lý do “xe ngoài nên phải đắt hơn và hôm nay là cuối tuần(?!)”.

Đây không phải là lần duy nhất anh Hùng gặp các tình huống bực mình với taxi. Một lần khác, Hùng bắt xe loại nhỏ từ cơ quan ở Trần Duy Hưng lên Nguyễn Thái Học và mất 82.000 đồng. Nhưng cũng quãng đường đó chiều ngược lại, chỉ vì ngủ quên “không chỉ dẫn” cho lái xe mà số tiền phải trả là 145.000 đồng (cùng là taxi loại nhỏ). Anh này cho biết thêm, với các hãng taxi nhỏ, việc xe hôi, hay có mùi thuốc lá, vào mùa hè tài xế thường mặc quần đùi.... khá phổ biến.


Taxi tại Hà Nội thường bị khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Ảnh: Hoàng Hà.

Chê khách đi cuốc ngắn

Trong khi đó, chị Phan Thu Trang (Tập thể in tiền quốc gia, 30 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) có lần bật khóc khi gọi taxi đưa con đi khám. Hôm đó, một tay bế con nhỏ, một tay dắt con lớn, chị Trang đứng bên đường vẫy xe gần 10 phút. Vài xe tấp vào hỏi nhưng khi chị Trang nói cần tới phòng khám ở làng quốc tế Thăng Long, đi đường vòng chỉ cách chừng 3 km, các lái xe từ chối chở khách. Con sốt cao, chờ xe tổng đài điều phối không thấy tới, 3 mẹ con đành bắt xe ôm.

“Con tôi ốm, đang cần tới phòng khám gấp nhưng dù cầu xin, tài xế cũng không cho lên xe”, chị Trang chia sẻ.


Chung hoàn cảnh trên, gia đình anh Nguyễn Văn Vở mới từ quê Vĩnh Phúc đi ôtô lên bến xe Mỹ Đình. Khu vực trước bến, rất nhiều taxi tập trung chờ bắt khách. Nhưng chỉ vì nhà ở Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), quãng đường đi taxi khá gần nên nhóm khách này bị nhiều lái xe từ chối.

Chấp nhận trả cước theo thỏa thuận riêng, cao hơn giá niêm yết, anh Vở cho biết, đây là chuyện phi lý nhưng thường xuyên gặp nên anh không thấy lạ. “Nếu có lựa chọn tốt hơn, tôi sẽ vĩnh biệt luôn kiểu dịch vụ kén chọn khách hàng này”, anh thẳng thắn.

Theo giải thích của nhiều tài xế, việc khách đi quãng đường ngắn khiến lái xe phải đảo đường nhiều lần. Số tiền cước ít ỏi sau khi trừ tiền xăng, khấu hao xe cộ thì còn lại không đáng bao nhiêu. Thay vì đi nhiều quãng ngắn, các tài xế taxi tập trung ưu tiên khách bắt tuyến dài.

Trong khi đó, anh T - một tài xế của taxi Phù Đổng (Hà Nội) tiết lộ: "Ở các bến xe, bệnh viện... việc tài xế từ chối đi ngắn tính cước đồng hồ mà theo thỏa thuận bởi họ cũng có cái khó riêng. Không phải ai làm taxi cũng đi chặt chém của khách hàng". Tài xế này tiết lộ, để có chỗ ở bến xe, bệnh viện... các xe nhỏ, thương hiệu bé phải chịu các khoản phí khác nên chạy cuốc ngắn là "đói".

“Quy định của tất cả các hãng đều nghiêm cấm việc lái xe kén khách, từ chối phục vụ khách nhưng thực tế, không phải tất cả các tài xế đều tuân thủ. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, khách hàng đi quãng ngắn nội thành rất khó bắt được xe. Chuyện chất lượng dịch vụ trong những hoàn cảnh này phụ thuộc vào tài xế hơn là nội quy nghề nghiệp”, anh Nguyễn Dũng, tài xế taxi Long Biên chia sẻ.

Xe mất vệ sinh

Chuyện tài xế kén khách không phải là điểm trừ duy nhất của dịch vụ taxi. Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Minh (Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội) thường khuyên các bố mẹ bệnh nhi đưa con tới phòng khám bằng xe máy nếu quãng đường gần. Đặc biệt, đối với các bé đang điều trị hoặc có tiền sử bị các bệnh về đường hô hấp, nữ bác sĩ khuyên tránh tối đa môi trường là taxi.

“Tôi đã đi thử rất nhiều hãng xe và thấy tình trạng chung là đều kém vệ sinh, mùi ẩm mốc, thuốc lá, bụi bặm… rất khó chịu. Đến người lớn chúng ta còn thấy vậy thì các em bé, nhất là bé sơ sinh, trẻ nhỏ, làm sao chịu được? Nếu nhà không có ô tô riêng, tôi thà đưa con đi bằng xe máy hơn là taxi”, chị Minh bày tỏ.


Phần lớn các hãng taxi đều quy định nghiêm cấm tài xế từ chối phục vụ khách đi chuyến ngắn. Thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Ảnh minh họa: Diệp Sa.

Đồng tình với bác sĩ, một số phụ huynh tại phòng khám tư này cũng cho rằng, môi trường trong xe taxi không hẳn tốt cho trẻ em. Một số phụ huynh như chị Thu Hà (131 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên) cho biết, bé trai hơn 1 tuổi nhà chị thậm chí còn bị kích ứng mỗi lần lên xe taxi. “Cháu bị tiểu phế quản co thắt. Lần nào bước chân vào taxi cũng hắt hơi cho tới lúc mở cửa ra ngoài”, chị Hà nói.

Phủ nhận thông tin vấn đề vệ sinh kém là tình trạng chung của hầu hết xe taxi, chị Vân, phòng khách hàng Taxi Group cho biết, vấn đề đảm bảo vệ sinh cho phương tiện được các hãng lớn coi như việc giữ gìn bộ mặt, thương hiệu của mình. Trước mỗi ngày phục vụ khách, tất cả các xe đều phải trải qua quy trình làm vệ sinh tại garage chuyên dụng.

Trường hợp có phản hồi cụ thể xe vi phạm nội quy này, hãng luôn có chế tài chấn chỉnh hoặc xử lý cả tài xế và người trực tiếp phụ trách vệ sinh xe. Các mức xử phạt dao động 200.000-500.000 đồng/vụ. "Phạt nặng như vậy nên việc tồn tại nhiều xe taxi kém vệ sinh như khách hàng lo ngại rất hiếm xảy ra", chị Vân nói.

Chị Phạm Nga, phòng kinh doanh một hãng taxi tại Hà Nội cho biết, thực tế, các thương hiệu taxi lớn và lâu đời luôn cố gắng để cải thiện dịch vụ mỗi ngày, giữ vững uy tín với khách hàng. Tuy nhiên, các hãng cũng đau đầu vì phương thức phục vụ của một số tài xế.

Theo Diệp Sa (Zing)