Cước tay, chân: Tránh thế nào?

Về mùa lạnh cháu hay bị sưng đỏ, ngứa các ngón tay, chân có khi ngứa cả tai và mũi nên rất khó chịu. Như vậy có phải cháu bị phát cước không.

 

Xin hỏi bác sĩ có cách nào trị bệnh này và khi bị bệnh cần kiêng những gì?

Trần Mai Thoa ([email protected])

Hiện tượng cước là các ngón tay, ngón chân bị sưng căng cứng, nổi màu đỏ và đặc biệt là rất ngứa: ngứa ở tay, ngón chân, bàn chân, thậm chí ngay cả mũi và tai. Khi các bộ phận này không được giữ ấm và tiếp xúc với cái lạnh lâu, các mạch máu ngoại vi nằm ở lớp da mỏng ở đây sẽ co lại, làm cho quá trình lưu thông máu diễn ra chậm, dẫn đến không cung cấp đủ lượng ôxy cần thiết cho các tế bào.

Khi được làm ấm đột ngột, mạch máu ngoại vi sẽ bị vỡ ra làm vùng da này bị tổn thương và biểu hiện chính là sưng tấy đỏ, ngứa ngáy. Cách phòng là giữ ấm tay, chân bằng cách đi tất và găng tay, đội mũ để giữ ấm tai và đeo khẩu trang để giữ ấm mũi khi đi ra lạnh, tránh tiếp xúc lâu với nước lạnh.

Buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân, tay bằng nước ấm pha gừng khoảng 15-30 phút. Ngoài ra, nên hạn chế các chất dễ gây dị ứng như hải sản, rượu bia, thuốc lá, thịt gà, thịt bò... vì chúng làm chỗ phát cước sưng ngứa nhiều hơn. Chú ý: Khi bị ngứa do cước không nên gãi mạnh để tránh lở loét trên bề mặt da dẫn đến nhiễm khuẩn.

Với những người đã bị bệnh thì có thể dùng bài thuốc dân gian được xem như cách chữa bệnh cước tay, chân về mùa đông khá hiệu quả đó là dùng lá lốt đun với nước, thêm một ít muối vào rồi ngâm chân, tay khi nước còn ấm (khoảng 30 phút). Hoặc dùng gừng tươi thái lát mỏng xát lên vùng bị cước. Mỗi ngày làm 1-2 lần trong vòng một tuần.


BS. Trần Mạnh Tâm

Theo SK&ĐS/GĐXH