Dịch tả lợn châu Phi chưa hạ nhiệt, các tỉnh Miền trung cấp bách phòng chống

Dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị vẫn đang diễn biến phức tạp, dù một số xã qua 21 ngày không phát sinh lợn bệnh. Trong khi đó, tại Thừa Thiên Huế, ngành chức năng chủ động phương án, ngừa dịch bệnh bùng phát.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.848 con lợn nhiễm bệnh, thuộc các xã, phường của 7 huyện, thị xã và thành phố Đông Hà. Sau khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện vào ngày 26/10 tại xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) và xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đã liên tục bùng phát ổ dịch ở nhiều địa phương khác.

Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân. Phối hợp với địa phương tiêu hủy lợn bị bệnh, chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, tại các xã như Triệu An (huyện Triệu Phong), Mò Ó (huyện Đakrông), Tân Long (huyện Hướng Hoá) và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) đã qua 21 ngày không phát sinh lợn bệnh.

dich-ta-lon-chau-phi-chua-ha-nhiet-cac-tinh-mien-trung-cap-bach-phong-chong

Đến nay có 7 huyện, thị xã và thành phố ở Quảng Trị xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Sở NN&PTNT).

"Virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức, khi đã xâm nhập vào đàn lợn, tỷ lệ chết rất cao. Nếu không khống chế được sẽ gây tổn hại lớn về kinh tế. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch lây lan, cắt đứt nguồn lây", ông Quốc nói.

Vị lãnh đạo Sở NN&PTNN này cũng cho rằng, ngành chức năng đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống để cắt đứt nguồn lây, người dân cũng không nên quay lưng, nói không với thịt lợn.


Liên quan vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống mà địa phương, Trung ương ban hành. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện, quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất.

Được biết, Bộ NN&PTNT vừa xuất cấp 10.000 lít hóa chất Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia cho Quảng Trị để phòng, chống dịch bệnh động vật. Ngành NN&PTNN tỉnh Quảng Trị đã thực hiện phân bổ cho các địa phương để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

dich-ta-lon-chau-phi-chua-ha-nhiet-cac-tinh-mien-trung-cap-bach-phong-chong

Lực lượng chức năng ở Quảng Trị lập chốt kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Sở NN&PTNT).

Tại Thừa Thiên Huế, trao đổi với Gia đình và Xã hội, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, trên địa bàn chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên đơn vị đang phối hợp với địa phương tăng cường kiểm soát, giám sát, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường để phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn cấp, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống. Ngành thú y đề cao cảnh giác, hoàn toàn chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

"Để phòng dịch có thể xảy ra, yêu cầu đặt ra với các địa phương, hộ chăn nuôi phải từng bước chuyển sang phương thức nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cán bộ thú y cơ sở tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao", lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y cho hay.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan, Quảng Trị xin hỗ trợ hóa chất phòng chống

GĐXH - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị kiến nghị UBND tỉnh đề xuất, hỗ trợ hóa chất để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch thời gian qua.

Theo GiaDinh