Học kỳ II, năm học 2019- 2020: Các môn học được rút gọn để phù hợp với thời gian năm học

Bộ GD&ĐT vừa thực hiện giảm tải nội dung nhiều môn học ở học kỳ II năm học 2019 – 2020 các cấp tiểu học, THCS và THPT. Theo nhận định của giáo viên, chương trình vẫn phù hợp với quỹ thời gian năm học, không tạo áp lực cho học sinh, đảm bảo kiến thức.

hoc-ky-ii-nam-hoc-2019-2020-cac-mon-hoc-duoc-rut-gon-de-phu-hop-voi-thoi-gian-nam-hoc

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bộ GD&ĐT đã thực hiện giảm tải các môn học ở các bậc học phổ thông. Ảnh minh họa: Q.Anh

Giảm nội dung nâng cao ở bậc tiểu học

Ngày 1/4, Bộ GD&ĐT cho biết, đã ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với cấp tiểu học. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc điều chỉnh nội dung học ở bậc tiểu học sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện; đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 - 2020 do tác động của dịch bệnh COVID-19.

"Các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông; chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao.

Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Theo đó, Bộ GD&ĐT không yêu cầu học sinh thực hiện một số nội dung như tìm hiểu môi trường xung quanh, động vật… để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho các em.


Với các thí nghiệm nhóm, có thể thay bằng việc giáo viên tiến hành thí nghiệm chung và yêu cầu học sinh tham gia xây dựng kiến thức. Một số thí nghiệm đơn giản giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà. Các nhà trường rà soát, tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lặp…

Căn cứ hướng dẫn của Bộ, các Sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học trong học kì II năm học 2019 - 2020, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục tiểu học. Các nhà trường tăng cường các hình thức dạy học từ xa như dạy học qua Internet và trên truyền hình.

Thời gian đầu của năm học 2020 - 2021, các trường tập trung ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện chương trình của năm học mới. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học.

Bậc trung học được giảm tải nhiều nội dung

Bên cạnh việc điều chỉnh nội dung bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng đã điều chỉnh lại khung năm học, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các địa phương điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 của 14 môn học cấp THCS, THPT (trung học).

Đối với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung điều chỉnh của Bộ để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù môn học. Với các môn học Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.

Đối với các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều sự điều chỉnh, trong đó nhiều nội dung bài học được chuyển sang cách thức không yêu cầu dạy, hoặc để học sinh tự học (hướng dẫn học sinh thực hiện), nhiều nội dung bài học được rút gọn và tích hợp 2 bài thành một bài…

Bộ GD&ĐT cũng đã có yêu cầu các đơn vị, trường học không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH và các nội dung "Không dạy", "Không làm", "Không thực hiện", "Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)" theo hướng dẫn tại Công văn số 113/BGD ĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT...

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố nội dung giảm tải, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của đội ngũ giáo viên. Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ Văn (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) nhận định, mặc dù có nhiều nội dung được tinh giản nhưng có thể thấy tính hệ thống của các môn học vẫn được bảo đảm, điều này sẽ giúp nhà trường giảm được gánh nặng về giảng dạy và học sinh có thể chủ động tự đọc trực tiếp từng văn bản và tự thực hành phần lớn nội dung học.

Cụ thể, ở môn Ngữ văn, các kiến thức được giảm tải được chọn lọc: Giữ lại những kiến thức trọng tâm, có sự kế thừa cho những lớp học sau.

Bên cạnh các bài được giảm tải trọn vẹn (không dạy), đa phần các bài được giảm tải theo hình thức giảm mục tiêu, yêu cầu bài học, chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp học sinh nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần yếu nhất.

Bộ đã tiến hành giảm tải khá triệt để, khiến chương trình dạy học tinh gọn, vừa đảm bảo phù hợp với quỹ thời gian năm học bị thu hẹp, không tạo áp lực học tập cho học sinh.

Đồng thời, vẫn đảm bảo được những kiến thức cơ bản, trọng tâm để học sinh tiếp tục học lên chương trình các năm học sau. Học sinh có thể tự đọc, tự trau dồi kiến thức các văn bản, các tác phẩm để rèn kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ. Với các bài tổng kết cần tự tổng hợp kiến thức.

Trong quá trình tự học, tự đọc, có vấn đề gì chưa rõ có thể hỏi thêm thầy cô để làm rõ. Giáo viên và học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn thành chương trình năm học.

Riêng với các bạn học sinh lớp 9 chuẩn bị tham gia kì thi vào lớp 10, nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kì I và một số bài được giữ lại trong chương trình học kì II", thầy Nguyễn Phi Hùng nhận định.

Theo Bộ GD&ĐT, việc tinh giản chương trình học trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Nội dung tinh giản được thực hiện theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020.

Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Theo GiaDinh