Quá vội vã áp dụng mô hình VNEN?

Năm học mới sắp bắt đầu, một số địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Giang, Hà Tĩnh… có quyết định tạm dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới (VNEN). Bộ Giáo dục và Đào tạo tối ngày 18-8 cũng đã có văn bản rút kinh nghiệm về VNEN. Chuyện gì đang xảy ra với mô hình này?

Dự án VNEN do Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu (Global Partnership for Education – GPE) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng trong khoảng thời gian 41 tháng (từ tháng 1-2013 đến hết tháng 5-2016). Ngay khi dự án vừa kết thúc, việc tạm dừng triển khai địa trà mô hình VNEN đặt ra nhiều nghi vấn trong dư luận về tính khả thi và hiệu quả của nó.

Bản chất của VNEN là thúc đẩy vai trò chủ thể tích cực của học sinh (HS). Thông qua việc tự học và hoạt động nhóm, HS lĩnh hội và chiếm lĩnh tri thức, hình thành kĩ năng, thiết lập mối quan hệ vững chắc với thực tiễn và cộng đồng. Đồng thời thiết lập bộ máy tự quản hữu hiệu trong tập thể HS. Và giáo viên (GV) không còn đóng vai trò trung tâm của hoạt động dạy học, thay vào đó là người tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, trọng tài, hỗ trợ HS học tập.

Quá vội vã áp dụng mô hình VNEN?

Ảnh minh họa

Xét về bản chất, mô hình VNEN rất hay và khá phù hợp với xu thể đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, việc đưa VNEN vào nước ta và nhân rộng đại trà như thời gian qua đã tạo ra nhiều bất cập, thậm chí là bước đầu thất bại như chính việc các địa phương xin tạm dừng nhân rộng mô hình.

Điều kiện cần thiết để tổ chức lớp học VNEN như sĩ số lớp, trình độ của giáo viên, cơ sở vật chất, sự đồng thuận của phụ huynh… hầu như đều bị “chênh” so với yêu cầu. Lớp học chỉ khoảng trên dưới 20 em nhưng ngay đến những lớp có sĩ số 40 vẫn thực hiện. Năng lực tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, trọng tài, hỗ trợ HS học tập của GV cần được tập huấn bài bản, khoa học và đầy đủ.


Nhưng ngay khi bắt tay vào thực hiện, công tác tập huấn cho GV chưa được chú trọng, trong khi yêu cầu về năng lực chuyên môn của GV lại đòi hỏi cao hơn nhiều. Hơn nữa, vai trò tích cực của VNEN chưa được phụ huynh hiểu đúng mức dẫn đến tình trạng ca thán việc con cái “chơi nhiều hơn học”, “mất định hướng”, “thiếu động lực học tập”… và xin được quay lại lối học truyền thống.

Phải chăng các nhà quản lý giáo dục nước ta đã quá vội vã áp dụng và nhân rộng mô hình VNEN vào hoàn cảnh thực tế còn nhiều vướng mắc và chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho sự đổi mới?

Đúng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu trước thềm năm học mới: “Bài học sâu sắc nhất với ngành giáo dục là phải biết lắng nghe”. Có vẻ như việc một số tỉnh thành quyết định tạm dừng VNEN đã là một tín hiệu tốt cho thấy tiếng nói của GV, HS và phụ huynh đã được đón nhận. Trong khi các địa phương khác muốn tiếp tục nhân rộng VNEN thì chắc chắn rằng các ban ngành quản lý giáo dục phải có những tính toán thay đổi phù hợp để khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của VNEN.

Trang Nguyễn (Nguoilaodong)