Thủ tục quá nhiều: Vải thiều Lục Ngạn khó lòng xuất ngoại?

Vải thiều Lục Ngạn sắp sửa phải xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng thủ tục trong nước đang gây khó khăn cho Doanh nghiệp. Sau hơn nửa tháng gõ cửa khắp nơi mà vẫn không thể gỡ rối, một công ty vừa cầu cứu đến Cục Hàng không, xin đơn vị này đứng ra giải quyết các thủ tục xuất khẩu nhanh chóng. Hôm qua (7/6), Cục Hàng không đã gặp gỡ ba bên để đối chất, tìm ra câu trả lời.

Gõ cửa nhiều nơi nhưng…

Còn khoảng 10 ngày nữa, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) sẽ vào chính vụ. Sau thành công ban đầu năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục nhắm tới những thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Mỹ, Australia, Nhật... để đưa những quả vải đạt chuẩn của người nông dân xuất ngoại. Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, để có mặt tại những thị trường này, quả vải Việt phải vượt qua quy trình kiểm dịch thực vật, soi chiếu an ninh...

Tại cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vải đầu tuần này, bà Đặng Thị Thanh Hải - Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty CP quốc tế logistic Hoàng Hà cho biết đây là năm thứ 2 doanh nghiệp làm đại diện xuất khẩu vải đi Australia. Tuy nhiên, khi vải đã sắp vào mùa, đơn vị này vẫn “như ngồi trên đống lửa” khi vướng quá nhiều thứ thủ tục.

Vướng mắc của doanh nghiệp nảy sinh khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm nay, từ chối yêu cầu kiểm tra, giám sát an ninh, dán tem an ninh trên từng kiện vải sau chiếu xạ tại trung tâm và yêu cầu doanh nghiệp tự liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để được giải quyết.

Đại diện doanh nghiệp cho biết hơn nửa tháng nay đã chạy vạy, gõ cửa nhiều cơ quan liên quan nhưng đều không được giải quyết. “Nói thật là doanh nghiệp không biết phải tìm tới ai, hỏi tới cơ quan nào để được giải đáp thoả đáng, vì ở đâu cũng nói không có cơ chế, chính sách thực hiện. Cực chẳng đã, Hoàng Hà phải gửi đơn lên Cục Hàng không Việt Nam nhờ hỗ trợ”, bà Thanh Hải than thở.

“Riêng chi phí vận chuyển, chiếu xạ… đã chiếm khá nhiều trong giá thành quả vải, làm giảm tính cạnh tranh của quả vải thiều Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Australia”, bà Hải lo lắng và đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu, đưa ra cơ chế giá ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.


Do đó, doanh nghiệp đề nghị phía cơ quan an ninh hàng không hỗ trợ cử nhân viên tới cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội để kiểm tra, giám sát an ninh, dán tem niêm phong hàng sau chiếu xạ và vận chuyển lên Nội Bài, như quy trình đã làm trong TP. HCM.

Theo DN, năm 2015 là năm đầu tiên quả vải được Úc và Mỹ cấp hạn ngạch nhập khẩu vào 2 nước này. Năm trước muốn chiếu xạ, các DN xuất khẩu vải phải chuyển hàng vào TP. HCM để chiếu xạ và làm thủ tục an ninh. Năm nay nhận thấy tính cấp thiết phải có nhà máy chiếu xạ ngoài bắc, nên Nhà nước đã đầu tư máy chiếu xạ ở Cầu Diễn (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, thủ tục quá nhiều vướng mắc và cản trở.

"Theo yêu cầu cơ quan kiểm dịch của Úc yêu cầu phải có giám sát an ninh và tem chiếu xạ, tem an ninh dán trên thùng sau khi chiếu xạ để lên máy bay đến Úc. An ninh hàng không không được mở niêm phong cho đến khi cơ quan chức năng Úc mở ra. Tem bị mất thì container đó không được nhập khẩu vào Úc", đại diện Công ty Hoàng Hà nói.

Tuy nhiên, cũng theo DN này, hiện phía cảng Nội Bài yêu cầu ngoài chiếu xạ phải kiểm tra an ninh. Quy trình kiểm tra an ninh khiến tem bị bóc ra và không đúng với quy định của phía nhà nhập khẩu. "Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra an ninh tại nơi chiếu xạ ở Cầu Diễn hoặc thống nhất địa điểm, để tạo điều kiện cho DN", đại diện công ty này nói.


Còn 10 ngày nữa vải thiều sẽ xuất ngoại, tuy nhiên DN vẫn gặp khó khăn trong thủ tục....

Cục hàng không Việt Nam nói gì?

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng phòng An ninh (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay, quy trình pháp luật hoàn toàn cho phép việc kiểm tra, giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài cảng hàng không và thực tế đã triển khai đối với sản phẩm xuất khẩu của Samsung tại Bắc Giang, Thái Nguyên…. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải đề nghị và ngồi lại cùng cơ quan chức năng để xây dựng quy chế làm việc. Vị trưởng phòng an ninh cho biết, để ra được quy chế này không thể “ngày một, ngày hai” mà có khi tới cả tháng trời.

Điều hành buổi họp, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam ngắt lời: “10 ngày nữa vải vào chính vụ thu hoạch mà các anh nói quy chế làm mất hàng tháng thì còn xuất khẩu cho ai nữa”?

Ông Cường yêu cầu phòng an ninh chủ động phối hợp với an ninh hàng không sân bay Nội Bài hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát an ninh tại trung tâm chiếu xạ và coi đây là quy chế mẫu để áp dụng luôn cho các trường hợp về sau.

Liên quan tới giá cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không, đại diện Phòng tiếp thị Vietnam Airlines phân trần việc đưa ra khung giá cước vận chuyển đối với mặt hàng trái cây tươi là chính sách chung của hãng. Tuy nhiên, để hỗ trợ quả vải Việt có thể xuất ngoại được giá tốt, Vietnam Airlines sẽ giảm 30% giá cước vận chuyển mặt hàng này trên các chuyến bay thẳng của hãng sang Australia.​

Tuy nhiên, tham dự cuộc họp với tư cách là đơn vị liên quan trực tiếp, ông Tuấn Anh - Phó giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho rằng, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là quy trình kiểm tra và địa điểm kiểm tra an ninh. Nhấn mạnh cảng hàng không Nội Bài sẽ tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp xuất hàng đi Australia, như làm thủ tục an ninh hàng không nhanh chóng, phân luồng, bố trí hệ thống máy soi an ninh riêng.... nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám sát an ninh tại sân bay Nội Bài.

“Điều kiện kiểm tra an ninh là việc bắt buộc phải làm. Về địa điểm kiểm tra không thể nơi nào khác ngoài nhà ga hàng hoá của Cảng Hàng không Nội Bài”, ông Tuấn Anh quả quyết.

“Ở TP HCM, lực lượng chức năng kiểm tra ở sân bay, miễn sao thùng đã 2 lần niêm phong chỉ cần kiểm tra theo máy soi. Biện pháp căn cơ phải có quy trình, DN phải có quy trình chuyển đến cơ quan nhà nước bố trí lực lượng dây chuyền đáp ứng được sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo quản lý. Nên chúng tôi đề nghị Cục Hàng không xây dựng điểm kiểm tra để các đơn vị cử người đến kiểm tra tại khâu chiếu xạ, sao cho năm nay đáp ứng tối đa để kịp mùa vải”.

Ông này khẳng định: "Rõ ràng ngành hàng không đã đi sau một bước so với tài chính và nông nghiệp. Cảng Nội Bài phải làm như Tp HCM là thông báo triển khai về quy trình đảm bảo an ninh hàng không qua chiếu xạ".

"Nếu kết hợp địa điểm kiểm tra an ninh hàng không và địa điểm chiếu xạ được thì sau này, các địa điểm này sẽ được coi là kho kéo dài hay kho ngoại quan để thống nhất triển khai không phải họp lại nữa và áp dụng cho tất cả các loại nông sản”.

Theo lập luận này, nhà ga hàng hoá của Cảng Hàng không Nội Bài được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất phục vụ cho việc kiểm tra an ninh, nếu tiến hành ngoài địa điểm này sẽ không đảm bảo an ninh hàng không.

Góp ý kiến, ông Lê Nhật Thành - Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) lo lắng, nếu thời gian xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát an ninh đối với hàng hoá nằm ngoài kho cảng mà kéo dài thì sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của doanh nghiệp. “Xây dựng quy chế gì thì cũng cần nhanh vì trái vải chỉ có thời vụ. Nếu không công sức cố gắng bấy lâu của người trồng vải, doanh nghiệp sẽ đổ sông đổ bể cả”, ông băn khoăn.

Ông Lê Nhật Thành đề nghị, do mùa vụ vải đang tới gần và đây là loại trái cây chỉ có tính thời vụ, vì thế nên xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát an ninh tại nơi chiếu xạ như các doanh nghiệp vẫn tiến hành tại trung tâm chiếu xạ TP HCM, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng về phía cơ quan bảo vệ thực vật, ông Thành cho hay, cơ quan vừa có cuộc họp bàn giải pháp xuất khẩu quả vải với các bên liên quan và quyết định sẽ miễn phí kiểm dịch thực vật với quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không.

Đồng tình, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam – Võ Huy Cường đôn đốc và giao cho Phòng an ninh tham mưu, phối hợp với trung tâm chiếu xạ của Bộ Khoa học & Công nghệ chủ động xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát an ninh hàng không ngay tại trung tâm chiếu xạ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Song song đó, nghiên cứu phương án kiểm soát, soi chiếu an ninh tại Nội Bài.

“Mùa vụ quả vải rất ngắn nên phải hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để giữ thị trường xuất khẩu đã mở. Phải đảm bảo hài hoà giữa an ninh hàng không và lợi ích kinh doanh”, ông Cường chỉ đạo. Vị Cục phó yêu cầu Phòng an ninh chậm nhất ngày 10/6 có báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đáp lời, ông Linh cho rằng, thời gian một tuần khá ngắn để các bên ngồi lại với nhau đưa ra quy chế phối hợp. Tuy nhiên, tinh thần là sẽ hỗ trợ hết sức tối đa để vẫn đảm bảo hiệu quả an ninh, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Ngọc Bích (Tieudung24g)