Tin sáng 2/1: Thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi 5 thông tin quan trọng; Miền Bắc sắp đón không khí lạnh giảm thấp nhất 8 độ, Trung Bộ lại mưa

Theo luật mới được thông qua, thẻ căn cước công dân sẽ có 5 thay đổi cụ thể so với luật cũ, chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2024; Không khí lạnh sắp tràn về, miền Bắc lần này có nơi hạ thấp nhất 8 độ. Đồng thời, khoảng 3-4/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào và có nơi có giông.

Từ năm nay, thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi 5 thông tin quan trọng này

Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo nội dung Luật mới, thẻ căn cước sẽ thay đổi 5 thông tin quan trọng này:

Thứ nhất, thẻ sẽ được đổi tên từ Căn cước công dân đổi thành Căn cước. '

Việc đổi tên được giải thích là để khoa học hơn, bao quát hơn, phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, xu hướng quản lý xã hội số.

Thứ hai, thông tin quê quán được đổi thành nơi đăng ký khai sinh.

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định quê quán là thông tin quê quán của cha hoặc mẹ người dân. Tuy nhiên, luật Căn cước sẽ điều chỉnh bỏ thông tin về quê quán trên thẻ căn cước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc đổi từ quê quán thành nơi đăng kí khai sinh được giải thích là để mang tính chính xác, tính ổn định hơn với bất kì công dân nào.

Từ năm nay, thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi 5 thông tin quan trọng - Ảnh 1.

 


Thứ ba, thay đổi từ nơi thường trú thành nơi cư trú.

Với luật Căn cước công dân cũ, người dân bắt buộc phải có địa chỉ đăng kỉ thường trú thì mới có thẻ căn cước công dân, điều này khiến nhiều người dân khó được cấp.

Tuy nhiên, luật mới thông qua quy định, công dân chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước. Từ đó, tất cả người dân đủ điều kiện cấp thẻ căn cước được bảo đảm quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thứ tư, lược bỏ dấu vân tay ngón trỏ.

Điều này được giải thích là để bảo mật hơn. Thay vì thể hiện trên căn cước, vân tay ngón trỏ của công dân sẽ được lưu trữ trong phần mã hoá của thẻ.

Thứ năm, người dưới 14 tuổi cũng có thể có thẻ căn cước.

Luật cũ quy định người được cấp căn cước công dân phải đủ từ 14 tuổi trở lên, song luật mới quy định công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm giấy tờ.

Một điểm đáng chú ý của Luật Căn cước là việc bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước. Quy định này để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

56 người tử vong vì tai nạn giao thông dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024

Ngày 1/1/2024, tin từ Cục CSGT, Bộ Công an cho biết trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023 đến ngày 1/1/2024), toàn quốc xảy ra 155 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 131 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 152 vụ, làm chết 54 người, bị thương 130 người. Đường sắt, xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người. Đường thủy không xảy ra tai nạn.

Cũng theo Cục CSGT, ở đường bộ, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.598 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 58 tỉ đồng; tạm giữ 315 xe ôtô, 9.594 xe máy, 105 phương tiện khác; tước 5.269 giấy phép lái xe các loại. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 7.570 trường hợp; vi phạm về ma túy 35 trường hợp; vi phạm về tốc độ 5.103 trường hợp; cơi nới thùng xe, quá khổ, quá tải 354 trường hợp, chở quá khổ giới hạn 75 trường hợp.

Kết quả xử lý qua hệ thống giám sát, theo dõi của các Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc đã phát hiện, xử lý 409 trường hợp.

Ở đường thủy, đã kiểm tra, phát hiện xử lý 395 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1 tỉ 189 triệu đồng, tạm giữ 2 phương tiện. Còn tại đường sắt đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp vi phạm, phạt tiền 4 triệu đồng.

Chính phủ chốt tăng học phí đại học 

Chính phủ chiều 31/12/2023 ban hành Nghị định số 97 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81, giống như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.

So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%.

Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.

Trần học phí với đại học công lập chưa tự chủ từ năm học 2023-2024 đến năm 2026-2027 (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng) như sau:

Khối ngành 2023/24 2024/25 2025/26 2026/27
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 1.250 1.410 1.590 1.790
Khối ngành II: Nghệ thuật 1.200 1.350 1.520 1.710
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật 1.250 1.410 1.590 1.790
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 1.350 1.520 1.710 1.930
Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y 1.450 1.640 1.850 2.090
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác 1.850 2.090 2.360 2.660
Khối ngành VI.2: Y dược 2.450 2.760 3.110 3.500
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường 1.200 1.500 1.690 1.910

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.

Đầu năm học 2023, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cơ quan, địa phương và các trường đại học cho rằng cần tăng học phí để đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm. Có trường "thỉnh cầu" được tăng học phí vì lo lắng có thể đứng trên bờ vực đóng cửa.

Tuy nhiên, nếu mức phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước. Cụ thể, học phí đại học công lập sẽ tăng bình quân 45,7%. Đặc biệt, học phí khối ngành Y - Dược tăng 93%, khối Nhân văn-Khoa học xã hội tăng 53%, gây khó khăn cho phụ huynh, người học. Vì thế, đa số ý kiến thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình của Nghị định 81.

"Việc lùi lộ trình tăng học phí một năm, biên độ điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 thấp hơn sẽ giảm áp lực cho người học", Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá.

Với bậc mầm non, phổ thông công lập, trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 sẽ áp dụng mức của năm học 2021-2022 mà HĐND các tỉnh, thành phố đã thông qua.

tin-sang-21-the-can-cuoc-cong-dan-se-thay-doi-5-thong-tin-quan-trong-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-giam-thap-nhat-8-do-trung-bo-lai-mua

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023, tại trường Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành năm 2021, quy định lộ trình tăng học phí công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí.

Do đó, đã ba năm liên tiếp các trường đại học không tăng học phí. Ở bậc mầm non và phổ thông, các địa phương phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.

Các địa phương thông báo lịch phát lương hưu gộp tháng 1, tháng 2/2024 

 Căn cứ thông báo khung chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 1 và tháng 2 vào cùng 1 kỳ trong tháng 1, trước Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch), BHXH và Bưu điện các địa phương đã ra thông báo lịch chi trả lương hưu. Tất cả các địa phương phát lương bắt đầu từ trong tuần này. 

Lịch chi trả lương hưu, trợ cấp Hà Nội

BHXH TP Hà Nội đã thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và 2/2024. Theo đó, người nghỉ hưu sẽ nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và tháng 2/2024 vào kỳ chi trả lương hưu của tháng 1. Mức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 2 bằng mức chi trả của tháng 1.

tin-sang-21-the-can-cuoc-cong-dan-se-thay-doi-5-thong-tin-quan-trong-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-giam-thap-nhat-8-do-trung-bo-lai-mua

Làm thủ tục chi trả lương hưu tại một điểm của Hà Nội. Ảnh: XC

Tại Hà Nội, thời gian chi trả tập trung chủ yếu từ 5/1 đến hết ngày 9/1/2024, qua hai hình thức: Tài khoản cá nhân (Thẻ ATM) hoặc nhận trực tiếp tại điểm chi trả.

Theo chia sẻ của nhiều người hưởng lương hưu, khi xem lịch chi trả lương hưu tại các phường xã, cần lưu ý, xem kỹ tên tổ, thời gian chi trả, bởi tổ chi trả lương hưu và tổ theo địa giới hành chính có sự khác nhau.

Lịch phát lương hưu, trợ cấp tại TP Hồ Chí Minh

Tại TP Hồ Chí Minh, về chi qua tài khoản cá nhân, Thành phố sẽ chuyển khoản từ ngày 2 – 3/1/2024. Riêng đối với những trường hợp được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 23/12/2023 đến ngày 25/1/2024, thì chuyển tiền vào tài khoản trong ngày 1/2/2024.

Về chi tiền mặt, Bưu điện TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2/2024 tại điểm chi trả thuộc hệ thống bưu điện cho người hưởng vào cùng một kỳ chi trả tháng 1/2024 từ ngày 2/1 – 23/2/2024 (trừ ngày lễ, Tết).

Lịch chi trả lương hưu tại Bình Định

UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản 9775/UBND-VX về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1, tháng 2 năm 2024.

UBND tỉnh thống nhất chủ trương để Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, tháng 2 năm 2024 cùng kỳ chi trả tháng 1 năm 2024 vào ngày 3/1/2024 đối với chi trả qua tài khoản cá nhân (ATM), từ ngày 5/1/2024 đến ngày 20/1/2024 đối với chi trả bằng tiền mặt.

Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất với Bưu điện tỉnh phương án thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đối với người được hưởng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tiền mặt, đúng quy định và tổ chức kiểm tra các điểm chi trả theo kế hoạch nhằm giải quyết, xử lý dứt điểm các phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chi trả.

Lịch chi trả lương hưu, trợ cấp tại Ninh Bình

Tại Ninh Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh để thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2/2024 vào kỳ chi trả của tháng 1 cho người hưởng dự kiến từ ngày 4/1/2024 đến ngày 19/1/2024.

Lịch chi trả lương hưu, trợ cấp tại An Giang

BHXH tỉnh An Giang sẽ phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng, với các hình thức: Chi trả qua tài khoản cá nhân vào ngày 5/1/2024; chi trả bằng tiền mặt từ ngày 5-10/1/2024 , tại các điểm chi trả; từ ngày 11- 25/1/2024, tại các điểm giao dịch của bưu điện.

Tháng 1 và 2/2024, dự kiến, An Gian có hơn 16.490 người sẽ được nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với số tiền chi trả hơn 209 tỷ đồng.

Người dân cứu người mẹ đẻ rớt con tại quán cà phê 

Chiều 1/1, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP HCM) cho hay trong ngày cuối năm 2023 qua năm 2024 đã kịp cứu một sản phụ "mẹ tròn con vuông" sau khi đẻ rớt ngoài đường.

Sản phụ là chị Nguyễn Thị Bé Tiền (35 tuổi, quê Kiên Giang). Chiều cuối năm 2023, chị Tiền đẻ rớt 1 bé gái nặng 2,6 kg tại một quán cà phê ở huyện Bình Chánh, được người dân phát hiện và kịp thời đưa đi bệnh viện. Hiện sức khỏe của mẹ và bé ổn định.

Bác sĩ Đào Trường Vinh, Trực lãnh đạo Bệnh viện huyện Bình Chánh, cũng cho biết ngay trong thời khắc giao thừa, bệnh viện cũng hỗ trợ chuyên môn cho 1 công dân nhí chào đời bằng sinh thường.

Đó là bé gái nặng 3,2kg, con của chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (18 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú tại huyện Bình Chánh).

Chị Hằng nhập viện lúc 12 giờ 45 phút ngày 31/12/2023 khi thai được 40 tuần tuổi. Hiện sức khỏe mẹ và bé sau sinh đều tốt.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh giảm thấp nhất 8 độ, Trung Bộ lại mưa 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Khoảng gần sáng và ngày 3/1, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ; sau đó đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4.

tin-sang-21-the-can-cuoc-cong-dan-se-thay-doi-5-thong-tin-quan-trong-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-giam-thap-nhat-8-do-trung-bo-lai-mua

Không khí lạnh khiến miền Bắc hạ nhiệt, có nơi thấp nhất 8 độ. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An từ 3/1, trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 12-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ.

tin-sang-21-the-can-cuoc-cong-dan-se-thay-doi-5-thong-tin-quan-trong-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-giam-thap-nhat-8-do-trung-bo-lai-mua

Đồng thời, từ 3-4/1, thời tiết khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào và có nơi có giông.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trên biển từ sáng và trưa 3/1, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.

Từ chiều tối cùng ngày, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.

Trước đó, các chuyên gia của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa đông năm 2023-2024, không khí lạnh được nhận định hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm. Số ngày rét đậm, rét hại xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại sẽ tập trung trong thời kỳ tháng 1 và 2/2024.

Theo GiaDinh