Trò chơi Pokemon Go bị tố cáo là phần mềm gián điệp

John Hanke, nhà sáng lập Niantic Labs và cha đẻ của Pokemon Go, từng có liên hệ và phát triển một số phần mềm cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Đi kèm với sự thành công của Pokemon Go, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về chân tướng của sản phẩm do Niantic Labs sản xuất. Hầu hết đều nhắm vào việc game đòi hỏi người chơi luôn bật định vị GPS, đồng thời cũng nhắm tới quá khứ của John Hanke, ông chủ Niantic Labs.

Bởi vì John Hanke từng nhận được nhiều khoản đầu tư từ In-Q-Tel, một quỹ đầu tư do CIA thành lập. Phần lớn số tiền đầu tư này được cung cấp từ Cục Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ, cơ quan có nhiệm vụ thu thập, phân tích và phân phối dữ liệu tình báo từ vệ tinh.

  Trò chơi Pokemon Go bị tố cáo là phần mềm gián điệp

Sản phẩm của John Hanke khi đó là phần mềm Keyhole, có khả năng tạo những hình ảnh 3D về các công trình và địa hình, dựa vào dữ liệu địa không gian được thu thập từ các vệ tinh. Tới năm 2004, Google mua lại Keyhole và ứng dụng các công nghệ của phần mềm này vào Google Earth. Sau này, chính Niantic Labs đã sử dụng các tính năng của Google Earth để tạo thành gameplay cho Pokemon Go.

Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin – Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự, đã cảnh báo trên báo điện tử Công An Nhân Dân: "Pokemon GO chỉ là biến thể từ một đề án của CIA nhằm thu thập hình ảnh bề mặt Trái Đất trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ này đã được CIA gắn trong hàng triệu xe ô tô trên khắp thế giới! Phòng thí nghiệm “Niantic Labs” do CIA tài trợ đã từng tạo ra nhiều loại virus máy tính để ăn cắp dữ liệu thông tin lưu trữ trong máy tính, điện thoại di động, điện thoại cố định."

"Một ai đó sau khi chơi trò chơi điện tử “Pokemon GO” một thời gian, thì rất có thể tất cả thông tin cá nhân của người đó như địa chỉ nhà ở, tình hình các thành viên trong gia đình, quang cảnh khu dân cư nơi sinh sống… đều sẽ bị lộ” - Đại tá Mẫu còn cho biết thêm.


Pokemon Go sử dụng camera và các cảm biến, la bàn và GPS trong điện thoại để định vị vị trí người chơi. Việc Pokemon GO thường xuyên bắt người dùng duy trì tính năng định vị và camera để chơi game trên không gian thực khiến nhiều lời cảnh báo về bảo mật đã được đưa ra. Điều này là bởi rất có thể Pokemon GO sẽ bị biến thành một công cụ do thám thực sự mà người dùng không hề hay biết.

Qua đó, phần mềm này có khả năng biến hàng triệu chiếc điện thoại thành những camera do thám, có khả năng ghi lại hình ảnh cận cảnh trong thời gian thực. Nếu cần trinh sát một khu vực nhất định, nhà sản xuất có thể cho một Pokémon hiếm xuất hiện tại đó và lôi kéo người chơi tới. Khi đó, mỗi game thủ sẽ trở thành một gián điệp mà không hề hay biết.

Một ví dụ được đưa ra là bộ phim The Dark Knight ra mắt hồi năm 2008. Trong đó, nhân vật Bruce Wayne (Batman) đã cài phần mềm gián điệp (backdoor) lên điện thoại do tập đoàn Wayne sản xuất, sau đó kích hoạt chúng để tạo nên mạng lưới trinh sát khắp thành phố Gotham. Công nghệ tương tự cũng có thể được sử dụng trong thực tế với Pokemon Go.

Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy Pokomon Go là công cụ gián điệp do CIA phát triển. Tuy nhiên, vớiviệc đưa thông tin cảnh báo về Pokemon GO, có lẽ cơ quan an ninh cao nhất tại Việt Nam cũng đã đặt phần mềm này vào tầm kiểm soát. Ngoài Việt Nam, một số nước như Nga, Trung Quốc, Indonesia cũng đã ra những cảnh báo tương tự.

Theo Lê Nam (NĐT)