Xung quanh Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia: Đúng nhưng khó thực thi

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia với quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đêm đến 6 giờ hôm sau đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau. Trong đó, đa phần ý kiến cho rằng, đề xuất này của Bộ Y tế là đúng nhưng khó thực thi.

Rượu, bia là chất gây hại đối với con người, có tác động trực tiếp và gián tiếp đến nhiều bộ phận trên cơ thể. Theo thống kê tại buổi họp báo vừa qua của Bộ Y tế, đây là nguyên nhân cấu thành 200 mã bệnh và là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh thuộc ICD – 10 (Bảng Phân loại bệnh tật quốc tế và những vấn đề liên quan đến sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, phiên bản lần thứ 10). Cụ thể là tác nhân gây bệnh duy nhất với hai bệnh là loạn thần do rượu và hội chứng rối loạn phát triển bào thai. Song không những gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, rượu, bia còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề liên quan đến giao thông, bạo lực, tội phạm, phí tổn về kinh tế đối với gia đình và xã hội…

Nhằm thực hiện Quyết định số 244 ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm cho ngày, Bộ Y tế dự kiến đưa ra 3 phương án lấy ý kiến trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Thứ nhất: không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Thứ ba, chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật.

Theo đó, phương án đầu tiên được phía Bộ Y tế nhận định là tối ưu nhất. Lý giải cho sự lựa chọn này, bà Vũ Thị Minh Hạnh, chuyên viên Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, phương án này hoàn toàn dựa trên kết quả cơ sở thực tiễn của nước ta và phù hợp với quy định của quốc tế. Khi 70% số vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; đặc biệt thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ – 24 giờ. Việc uống rượu bia sau 22 giờ có nguy cơ ảnh hướng đến an ninh trật tự xã hội, là một trong những nguyên nhân phạm tội, gây thương tích, bao gồm bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Cộng thêm thói quen sử dụng rượu, bia ở nơi công cộng, đông người thường có xu hướng làm cho người sử dụng gia tăng lượng uống, dễ dẫn đến việc lạm dụng rượu, bia.
 

Đối với bia, mức tiêu thụ ở nước ta đứng thứ nhất, vượt xa so với các nước kế tiếp là Thái Lan và Phillipines, mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia tương đương với 3 tỷ USD, chưa kể đến những chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng đã gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của toàn ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát năm đó là 16.000 tỷ đồng, tương đương 800 triệu USD.

Suy cho cùng, nội hàm phương án này cũng chính là nhằm hạn chế tính sẵn có của đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu, bia – một trong các giải pháp được WHO khuyến cáo tại Chiến lược toàn cầu về kiểm soát chất cồn (tháng 5/2010). Kinh nghiệm của 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN ban hành quy định về giờ và ngày bán lẻ đồ uống có cồn dưới dạng quy phạm pháp luật, đa số từ 20 đến 22 giờ hoặc 6 đến 8 giờ ngày hôm sau, ghi nhận đây là giải pháp can thiệp hiệu quả, hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định và tỷ lệ sử dụng rượu bia nhờ đó có xu hướng giảm.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chính sách giá và kiểm soát rượu bia lậu thông qua việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt; kiểm soát lái xe uống rượu, bia bằng các biện pháp kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, đề xuất về ngày giờ bán lẻ rượu, bia của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ là một trong các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, góp phần giảm nhu cầu sử dụng, từ đó giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia. Cụ thể hơn là hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe, tai nạn giao thông, an ninh trật tự; tạo môi trường, thói quen lành mạnh, văn minh trong việc sử dụng rượu, bia; giảm gánh nặng, chi phí khắc phục hậu quả về sức khỏe và xã hội do lạm dụng rượu, bia.

Tuy nhiên, với thói quen sử dụng và tiêu thụ rượu, bia ở nước ta như hiện nay, quy định không bán rượu, bia sau 22 giờ đến 6 giờ sáng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực thi bởi người dân ngại thay đổi nhận thức, cơ sở kinh doanh thì sợ ảnh hưởng đến doanh thu.
 

V.Hà -  Diệp Anh