Bị cáo Đinh La Thăng - án chồng án, hơn nửa nghìn tỷ và cơ hội nào cho ngày tự do?

Cơ quan nắm quyền công tố tại phiên phúc thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh (đang diễn ra) đã đề nghị giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên với ông Đinh La Thăng, phải chịu trách nhiệm hình sự trong hai vụ án, số tiền bị buộc khắc phục lên tới hơn nửa nghìn tỉ đồng.

Đối diện với án dài, số tiền khắc phục "khủng"

Ngày 11/5, diễn biến tiếp theo của TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và các bị cáo khác nguyên là cốp cán tại PVN khi thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKS) đề nghị cấp tòa phúc thẩm không giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Đinh La Thăng và nêu quan điểm bị cáo này không có tình tiết giảm nhẹ mới, giữ nguyên hình phạt án sơ thẩm đã tuyên.

Trong vụ án này, trước đó cấp tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Trách nhiệm dân sự bị cáo Đinh La Thăng buộc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường số tiền 30 tỉ đồng.

Trái với bị cáo Đinh La Thăng, VKS đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho hai cựu lãnh đạo PVN là bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh. Các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến cũng được đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt tội tham ô do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả.

Bị cáo Đinh La Thăng - án chồng án, hơn nửa nghìn tỷ và cơ hội nào cho ngày tự do?

Bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác tại phiên tòa. (ảnh: TTX)


Theo VKS đánh giá thì tại một số bút lục cho thấy bị cáo Thăng khi làm Chủ tịch PVN (năm 2008 đến 2011) có quyền quyết định với những dự án lớn của PVN.

Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Hội đồng Thành viên của PVN được Chính phủ ủy quyền cho quyết định chủ đầu tư. Bị cáo Thăng đã lựa chọn PVC là tổng thầu khi chưa đủ điều kiện, không đáp ứng được quy định về chỉ định thầu.

Lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2) cho thấy việc PVN xác định PVC là tổng thầu là trái luật vì không đủ năng lực thực hiện dự án, không có kinh nghiệm, chưa từng thực hiện chức năng tổng thầu.

Việc chỉ định của bị cáo Đinh La Thăng vì thế bị xác định làm trái chỉ đạo của Chính phủ về chọn nhà thầu phải có năng lực. Bị cáo Thăng biết PVC chưa đủ điều kiện vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng. Điều này thể hiện rõ qua việc ông yêu cầu PVPower phê duyệt thiết kế, chỉ đạo việc khởi công.

"Tại một cuộc họp liên quan tới dự án, bị cáo Thăng kết luận ban quản lý dự án cần đôn đốc hoàn thành thiết kế, gửi hồ sơ yêu cầu, đẩy nhanh công tác thẩm tra… để trình tập đoàn. Những điều này thể hiện Đinh La Thăng biết hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện về hồ sơ, chưa có điều kiện thanh toán, tạm ứng", công tố viên nêu quan điểm.

VKS từ đó cho hay: "Đủ cơ sở kết luận bị cáo Thăng có vai trò chính trong việc chỉ định thầu PVC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng trái luật, sau đó chỉ đạo cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD cùng hơn 1.000 tỷ đồng; tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh cùng cấp dưới sử dụng sai mục đích gây thiệt hại 119 tỷ đồng".

Cơ hội nào cho ông Đinh La Thăng?

Vụ án này đang được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá một cách khách quan, tuân thủ quy định của pháp luật và chắc chắn sẽ có bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo trong vụ án nói chung và bị cáo Đinh La Thăng nói riêng.

Bị cáo Đinh La Thăng - án chồng án, hơn nửa nghìn tỷ và cơ hội nào cho ngày tự do?

Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự với các cáo buộc về sai phạm khi ngồi ở ghế "chỉ huy trưởng" PVN. (ảnh: HC)

Đối với bị cáo Đinh La Thăng nếu trách nhiệm bồi thường và mức án được giữ nguyên (bản án sơ thẩm trước đó: 13 năm tù, bồi thường 30 tỉ đồng) như đề nghị của cơ quan giữ quyền công tố tại tòa thì bị cáo Thăng sẽ phải có trách nhiệm thi hành án bởi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay.

Ngoài vụ án này, cá nhân bị cáo Đinh La Thăng cũng đang phải đối mặt với một vụ án khác là: Vụ án góp 800 tỉ đồng của PVN vào Oceanbank của Hà Văn Thắm và thất thoát (đã xét xử sơ thẩm).

Trong vụ án có liên quan đến Hà Văn Thắm này, ngày 29/3 bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 18 năm tù về tội: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền gây thiệt hại là 600 tỉ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng đã kháo cáo bản án sơ thẩm của vụ án này và đang chờ được xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Cả hai vụ án mà bị cáo Đinh La Thăng phải đối mặt tính đến thời điểm hiện tại chưa có kết quả cuối cùng, nhưng rõ ràng trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự được đề nghị mà bị cáo Đinh La Thăng phải đối mặt là rất lớn.

Án phạt dài dằng dặc, số tiền bị đề nghị tuyên phạt phải chịu trách nhiệm bồi thường lên đến hơn nửa nghìn tỉ đồng. Ngày tự do của bị cáo Đinh La Thăng là rất xa?

Tại phiên tòa đang diễn ra, bị cáo Đinh La Thăng nói rằng: Nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng xin HĐXX xem xét, đánh giá đúng với chức năng, quyền hạn. “Tôi có một căn chung cư đang ở, nếu bán cũng chỉ được một phần nhỏ so với số tiền phải bồi thường. Khi tòa cấp cao xử đúng trách nhiệm thì tôi sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục tối đa” – lời bị cáo Thăng.

Trao đổi với phóng viên về cơ hội nào đối với ông Đinh La Thăng về được giảm án, tha tù trước thời hạn (trường hợp bị cáo Thăng bị tuyên án, phải chịu trách nhiệm hình sự, phải thực hiện nghĩa vụ dân sự), sau khi các bản án được tuyên và có hiệu lực pháp luật, các chuyên gia pháp lý cho biết là có thể áp dụng theo điều 66 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định cụ thể.

Theo đó, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện: Phạm tội lần đầu; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;

"Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với Cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn..."- chuyên gia pháp lý xin giấu tên cho biết.

Theo GiaDinh