[BizDEAL] “Ông lớn” tài chính Nhật rót hàng tỷ yên vào “đại gia” chứng khoán Việt

Nếu giao dịch thành công, công ty chứng khoán Nhật sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại SSI lên 74,6 triệu đơn vị, tương đương 15,54% vốn.

[BizDEAL] “Ông lớn” tài chính Nhật rót hàng tỷ yên vào “đại gia” chứng khoán Việt

Ảnh minh họa.

Daiwa Securities Group tiếp tục gom 17,34 triệu cổ phiếu SSI

Daiwa Securities Group vừa thông báo tiếp tục đăng ký mua vào 17,34 triệu cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn. Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 6/4/2016 đến 5/5/2016, thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, công ty chứng khoán Nhật sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại SSI lên 74,6 triệu đơn vị, tương đương 15,54% vốn.

Trước đó, từ ngày 25/02/2016 đến 25/03/2016, tổ chức này chỉ mua thêm được 9,16 triệu cổ phiếu SSI, trong tổng số 26,5 triệu cổ phiếu đăng ký mua, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 57,3 triệu đơn vị, tương đương 11,93% vốn.


Toàn bộ giao dịch đã được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, "ông lớn" trong ngành tài chính Nhật này đã công bố quyết định sẽ chi hàng tỷ yen để tăng cổ phần tại SSI, nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 15%. Daiwa và SSI đã có quan hệ hợp tác đầu tư từ năm 2007.

Sau khi tỷ lệ sở hữu khối ngoại được nới thêm, Daiwa sẽ mở rộng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

SSI là công ty chứng khoán đầu tiên công bố nới room ngoại lên mức tối đa theo quy định. Theo đó, từ tháng 10/2015, công ty này đã nới room ngoại và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa được phép từ 51% lên 100%.

IPO Tín Nghĩa: Giá trúng thầu cao nhất là 14.000 đồng/cổ phần

Sáng 1/4, Tổng Công ty Tín Nghĩa (TinNghiaCorp) thực hiện IPO gần 14,9 triệu cổ phần, tương đương 9,56% vốn điều lệ công ty, với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. 

Đã có 28 nhà đầu tư đăng ký mua 30,26 triệu cổ phần, gấp hơn 2 lần lượng cổ phần mà Tín Nghĩa chào bán. Trong đó, có 24 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 15,36 triệu cổ phần, 2 tổ chức trong nước muốn mua hơn 10 nghìn cổ phần và 4 tổ chức nước ngoài đăng ký mua 14,89 triệu cổ phần.

Kết quả, toàn bộ 14,9 triệu cổ phần chào bán đã được 12 nhà đầu tư mua hết. Với mức giá trúng thầu bình quân 11.885 đồng/cổ phần, ước tính Tín Nghĩa thu về hơn 177 tỷ đồng từ đợt IPO này. Mức giá trúng thầu cao nhất trong phiên IPO là 14.000 đồng/cổ phần và giá thấp nhất là 11.600 đồng/cổ phần.

Trong số nhà đầu tư trúng giá, có 3 tổ chức cùng 9 nhà đầu tư cá nhân.

Hãng Phim truyện Việt Nam bán cổ phiếu sau hơn 20 năm thua lỗ

Theo phương án cổ phần hóa, VFS sẽ bán ra 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược đã được chọn là Tổng công ty Vận tải thủy với giá 32,5 tỷ đồng.

Số cổ phần bán đấu giá ra công chúng là 525.000 cổ phần (10,5%), tối thiểu thu về 5,25 tỷ đồng. Nhà nước vẫn nắm giữ 20% vốn, trong khi số còn lại bán ưu đãi có cán bộ, công nhân viên của công ty. Như vậy, hãng Phim truyện Việt Nam được định giá trên 50 tỷ đồng.

GTN thoái vốn khỏi 2 công ty con không nằm trong chiến lược

Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (Mã: GTN - HoSE) vừa quyết định thoái vốn tại các Công ty con không nằm trong chiến lược phát triển của Công ty: CTCP Năng lượng Thống Nhất và CTCP Vật liệu Xây dựng Thống Nhất Miền Trung.

Theo quyết định này, tỷ lệ sở hữu sau khi GTN thực hiện thoái vốn tại 2 công ty đều dưới 20%. Hiện tại, GTN đang nắm giữ 95% vốn tại Năng lượng Thống Nhất và 52% vốn tại VLXD Thống Nhất miền Trung.

CTCP Năng lượng Thống Nhất hiện đang cung cấp dòng sản phẩm chính là than hoạt tính, sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn Công ty VLXD Thống nhất miền Trung sản xuất gạch nung, mỗi năm cho ra lò 60 - 100 triệu viên.

DRH trở thành cổ đông lớn của KSB

Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (Mã: DRH - HoSE) công bố đã mua xong 2.334.930 cổ phần KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Giao dịch thực hiện ngày 28/3/2016.

Sau giao dịch này, DRH chính thức trở thành cổ đông lớn duy nhất của KSB tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, SCIC là cổ đông lớn nắm giữ 50,5% vốn điều lệ KSB nhưng vừa thoái toàn bộ vốn vào cuối tháng 2/2016.

Cùng với DRH, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam hiện đang nắm giữ 4,97% vốn KSB, Quỹ PXP Vietnam Emerging Equity Fund nắm giữ 4,95% vốn KSB.

BIDV "bắt tay" VNPT trong thương vụ hơn 1 tỷ USD

BIDV và VNPT vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2016-2020 với tổng giá trị 25.000, tương đương hơn 1,1 tỷ USD trong thời gian 5 năm.

Theo đó, BIDV sẽ là đầu mối thu xếp vốn, tài trợ các dự án của VNPT và các đơn vị thành viên. Đồng thời, BIDV sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, ưu việt nhất cho VNPT với mức giá cạnh tranh, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho VNPT tận dụng tối đa các lợi ích kinh tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

BIDV sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ, công nghệ, viễn thông do VNPT cung cấp để phục vụ cho nhu cầu hoạt động thường xuyên, quản trị ngân hàng và phát triển bền vững của BIDV. Đổi lại, VNPT sẽ tăng cường sử dụng các sản phẩm tín dụng, phi tín dụng, các dịch vụ khác của BIDV như bảo hiểm, tái cấu trúc tài chính, tư vấn phát hành trái phiếu, quản lý dòng tiền, đồng phát triển thương hiệu tại các điểm giao dịch của nhau…

SCIC đăng ký thoái 37,18% vốn tại BED

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đăng ký bán toàn bộ hơn 1,11 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 37,18% vốn của CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng (mã BED - HNX) để thoái vốn nhà nước.

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 30/3 đến 22/4/2016 thông qua qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Nếu giao dịch được thực hiện thành công, SCIC sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu BED.

Theo Linh Linh (bizlive)