Chữa bỏng bô xe máy đúng cách để không để lại sẹo

Bỏng bô xe máy là tai nạn thường rất hay gặp, nếu không được xử trí đúng cách từ đầu có thể gây nhiễm trùng, khiến da bị hoại tử hay để lại sẹo thiếu thẩm mỹ.

Ở Việt Nam, tình trạng bị bỏng bô xe máy chiếm tỷ lệ rất cao do xe máy là phương tiện lưu thông chính. Tình trạng này thường xảy ra ở những lối đi chật hẹp khiến nhiều người sơ ý chạm phải hoặc bị vướng vào bô xe vừa mới đi về từ bên ngoài.

chua-bong-bo-xe-may-dung-cach-de-khong-de-lai-seo

Bỏng bô xe máy nếu không được xử trí đúng cách sẽ gây nhiễm trùng da, gây sẹo mất thẩm mỹ

(Ảnh minh họa)

Nhiệt độ ở bô xe máy rất cao nên khi da của bạn chạm vào bô xe máy nóng có thể dẫn đến những tổn thương sâu bên trong. Nếu bạn biết xử trí và chăm sóc các vết bỏng đúng cách thì sẽ làm giảm diện tích bỏng, giảm tổn thương.

Bạn nên làm gì khi bị bỏng bô xe máy?

Dưới đây là các bước sơ cứu bỏng bô xe máy giúp vết thương nhanh lành hơn.


Bước 1: Loại bỏ quần áo bị bỏng

Do quần áo có tác dụng giữ nhiệt làm vết bỏng lan rộng và gây tổn thương sâu hơn. Vì vậy việc đầu tiên bạn nên làm là cởi bỏ quần áo ở vùng bị bỏng càng sớm càng tốt.

Bước 2: Làm mát vùng da bị bỏng

Khi bị bỏng, bạn nên ngâm vùng bỏng ngay sau khi bị thương càng nhanh càng tốt bằng nước mát và sạch có nhiệt độ khoảng 16-20°C. Nếu bạn để thời gian trễ hơn 30 phút thì cách sơ cứu bằng nước lạnh sẽ không có tác dụng. Thời gian bạn ngâm rửa vết bỏng sẽ kéo dài trong khoảng 15-30 phút cho tới khi hết đau rát.

Bước 3: Làm sạch vết thương

Sau khi vết bỏng đã được làm mát, bạn nên rửa lại lần nữa với nước muối sinh lý (NaCL 0,9%) hoặc dung dịch Povidine 10%. Tuyệt đối không được rửa vết bỏng bằng nước oxy già, cồn hoặc bôi thuốc đỏ,… Vì các dung dịch này sẽ gây chết mô hạt và để lại sẹo.

Bước 4: Băng bó vết thương

chua-bong-bo-xe-may-dung-cach-de-khong-de-lai-seo

Bạn nên băng bó, che chắn vết bỏng mỗi khi ra ngoài (Ảnh minh họa)

Đối với các vết bỏng nông và nhẹ sẽ tự lành sau khoảng 2 tuần. Những với các vết bỏng nặng hơn, bạn tuyệt đối không chọc vỡ bọng nước. Đồng thời không cần phải băng bó vùng da bỏng mà nên để thông thoáng, làm như vậy sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn.

Để tránh bụi bẩn bám dính vào vùng da bị bỏng, khi ra ngoài bạn nên che chắn bằng cách mặc áo quần dài, rộng và băng lại bằng gạc mỡ Vaseline. Lưu ý, chỉ nên băng hờ không nên băng quá chặt, quá kín vì có thể gây sừng hóa da non.

Một số lưu ý khi chữa bỏng bô xe

Khi sơ cứu, chữa bỏng bô xe bạn cần lưu ý những điều dưới đây để không làm trầm trọng thêm vấn đề.

- Không ngâm vết bỏng vào nước đá lạnh: Vùng da bị bỏng khi quá lạnh sẽ dẫn tới tình trạng co mạch máu, co cơ, làm cho vết bỏng trở nên nghiêm trọng hơn khiến việc điều trị vết bỏng sẽ trở nên khó khăn, thậm chí là phải cắt bỏ tổ chức bị bỏng.

- Không bôi kem đánh răng lên vết bỏng: Nhiều người thường thoa kem đánh răng để làm dịu vết bỏng. Tuy nhiên trong kem đánh răng có chứa kiềm, nếu bôi vào vùng da bị bỏng do bô xe sẽ làm tăng mức độ đau rát, càng làm cho vết bỏng bị ăn sâu vào các tổ chức bên trong gây nhiễm trùng.

chua-bong-bo-xe-may-dung-cach-de-khong-de-lai-seo

Tuyệt đối không bôi kem đánh răng lên vết bỏng (Ảnh minh họa)

- Không chọc vỡ các bóng nước: Tình trạng bỏng bô xe máy sẽ khiến da bạn bị phồng rộp hoặc nổi bóng nước. Tuy nhiên, bạn không nên chọc vỡ các bóng nước để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn thâm nhập vào.

- Không áp dụng các mẹo chữa dân gian: Nhiều người áp dụng cách chữa vết bỏng bô xe máy theo quan niệm dân gian như bôi nước mắm, nước tương, dầu mỡ, đắp trứng gà, đắp thuốc lá,... vào vết bỏng khi chưa được rửa sạch, tuy nhiên cách làm này có thể gây nhiễm khuẩn tại vùng da, gây khó khăn trong việc điều trị.

Theo GiaDinhVietNam