Hãy làm như thế này để vừa trị bỏng bô xe máy vừa không bị sẹo

Nếu muốn vết thương nhanh khỏi và không để lại sẹo sau khi bỏng bô (phỏng bô), các bạn hãy làm những điều dưới đây!

Một số cách chữa trị bỏng bô xe máy như bôi nước mắm, bôi kem đánh răng lên vết thương có thật sự hiệu quả như truyền miệng? Bài viết sau đây sẽ mô phỏng cho bạn các bước xử lý vết bỏng bô làm sao cho nhanh lành và không để lại sẹo.


Bỏng bô xe máy làm bạn mất tự tin khi để lại sẹo.

Khi bỏng bô, bạn có thể trị phỏng bô theo cách này, đây là cách được tham khảo được từ BS. Đặng Phương Liên-Chuyên khoa Nội-Bộ Y tế. 

- Ngay sau khi bị bỏng, cần phải sơ cứu ngay giống như các trường hợp bị bỏng do nhiệt khác: nhanh chóng dội nước lạnh sạch lên vùng bị bỏng hoặc ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh sạch càng sớm càng tốt. Để khoảng 15 - 20 phút, sau đó băng ép nhẹ vùng bị bỏng bằng gạc vô trùng. 

- Sau đó nếu có điều kiện, bạn có thể đến cho bác sĩ xem kĩ hơn vết thương nếu cảm thấy nó quá nặng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trị vết phỏng tại nhà. Bạn hãy dùng nước muối sinh lý vệ sinh dể rửa vết thương của mình, cái này ở các nhà thuốc đều có. 

- Có thể dùng thuốc mỡ, bọt Panthenol, Silvirin...hoặc các loại thuốc bôi trị bỏng, bạn cần tham khảo ý kiến của người bán thuốc. Nên bôi các loại thuốc mỡ này ngay trong 2-3 ngày đầu để hạn chế sẹo.


- Lưu ý: Không được chọc vỡ bóng nước, phải để nó "vỡ tự nhiên".

- Không được mặc quần quá bó sát tránh ảnh hưởng đến vết phỏng.

- Khi băng vết thương, nên dùng các loại băng gạc mỡ, lớp mỡ này sẽ giúp cho băng gạc không bị dính vào trong vết thương, nhà thuốc có bán.

- Không được băng ép quá chặt sẽ làm chỗ da bị phỏng nhăn nheo, thâm và để lại sẹo.

Cách hay để không để lại sẹo:

- Sau khi vết thương bắt đầu lên da non thì có thể trị sẹo bằng cách thoa vitamin E. Bạn cũng có thể dùng nghệ, nhưng nên lưu ý là da của bạn có bị dị ứng với nghệ tươi hay không và khi da đã kéo da non rồi mới được bôi nghệ lên.

- Không được để vết thương tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng sẽ làm nó bị thâm đen và để lại sẹo.

Bác sĩ Năm - Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cũng khuyến cáo không nên dùng các biện pháp dân gian thiếu khoa học để trị bỏng: "Nhiều người cứ nghĩ đổ nước nắm vào sẽ làm vết thương khô đét lại, thực tế không phải vậy. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp thì mới dùng đến nước mắm và phải rửa lại ngay khi có nước sạch. Dính nước mắm chỉ làm lớp da bị hoại tử hơn, ăn sâu và khó lành hơn".

"Khi bị bỏng nặng, để lại vết thâm hay sẹo lớn, chị em cũng không nên vội vã. Đợi khi vết sẹo được 5, 6 tháng sẽ dễ xử lý hơn. Còn có nhiều phương pháp làm mất sẹo không nhất thiết phải đến các trung tâm thẩm mỹ gây tốn tiền của", bác sĩ Lê Năm khuyến cáo.

Theo Thanh Thu ( Khỏe & Đẹp )