Chưa có nguy cơ bong bóng Bất động sản trong năm 2016

Tuy nhiên, Horea cũng khuyến nghị cần tiếp tục quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian.

Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (Horea), vấn đề được quan tâm hiện nay là có hay không nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản (BĐS) trong năm 2016.

Nhìn lại thị trường BĐS năm 2015, điều dễ dàng nhận thấy là không xảy ra hiện tượng bong bóng đúng như dự báo của Horea trước đó.

Bong bóng BĐS là một khái niệm không còn xa lạ đối với giới kinh doanh địa ốc lẫn nhà đầu tư. Hiện tượng bóng bóng cũng đã từng xảy ra trong những năm 2007 và năm 2010, đỉnh cao nhất là năm 2007. Đây được xem là nguyên nhân khiến cho kinh tế lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và thị trường BĐS.

  Chưa có nguy cơ bong bóng Bất động sản trong năm 2016

2016 được dự đoán sẽ không có hiện trạng bong bóng BĐS.

Báo cáo của Horea cho biết, qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, hiệp hội đã nhận thấy những điều kiện khách quan và chủ quan làm phát sinh bong bóng BĐS.


Thứ nhất, khi nền kinh tế đất nước phát triển quá nóng sẽ dẫn đến khả năng kiếm tiền nhanh, nhiều và mua BĐS là phương thức bảo toàn giá trị nguồn tiền kiếm được.

Thứ hai, khi Nhà nước buông lỏng chính sách tài khóa, tín dụng dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn, dễ dãi và không kiểm soát được dòng tiền vay sử dụng sai mục đích.

Thứ ba, khi có sự phát triển lệch pha trên thị trường BĐS, trong đó chủ yếu là phân khúc BĐS cao cấp.

Thứ tư, sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp trên thị trường BĐS; đi đôi với tình trạng tăng giá BĐS bất hợp lý trên thị trường.

Thứ năm, khi có sự xuất hiện của những nhà đầu cơ chuyên nghiệp tạo các đợt sóng liên tục trên thị trường BĐS.

Thứ sáu, khi thiếu sự can thiệp hợp lý của Nhà nước thông qua các công cụ đòn bẩy như thuế chống đầu cơ, kiểm soát tín dụng, điều tiết nguồn cung dự án BĐS, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị hay phát triển dự án nhà ở.

Dự đoán về tình hình BĐS năm 2016, Horea cho biết, trong năm nay nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái và giá dầu giảm mạnh sẽ tác động đến nước ta. Chắc chắn nền kinh tế nước ta chưa thể phát triển "nóng" được.

Kế đến, Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt chi tiêu công, chính sách tín dụng thận trọng và linh hoạt.

Thực tế trong thời gian gần đây, có sự gia tăng nhiều dự án BĐS cao cấp nhưng mức hấp thụ của thị trường năm 2015 là tích cực, chưa xuất hiện tình trạng “bội thực” trên thị trường. Tuy nhiên, đây lại là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mà Nhà nước cần theo dõi kỹ để có giải pháp điều tiết thích hợp.

Do đó, nhìn lại thị trường BĐS trong những năm qua, Horea dự báo chưa có nguy cơ bóng bóng BĐS trong năm 2016 nhưng cũng cần tiếp tục quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, nhân tố có thể gây bất ổn thị trường BĐS trong thời gian tới có thể bắt nguồn từ chính sách hiện hành.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nêu ví dụ: “Luật kinh doanh BĐS năm 2014 đã cho phép bên mua, bên thuê mua có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bên cho thuê, bên thuê mua chưa được nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Trước đây có tình trạng thực tế là nhiều người mua nhà đã nhận nhà nhiều năm mà chưa được cấp chủ quyền mà theo quy định cũ thì lại không được chuyển nhượng. Do đó, quy định này trước mắt nhằm giải quyết bảo vệ quyền lợi của các đối tượng này. Điều này có tác động tốt và tích cực trong ngắn hạn, giup cho thị trường BĐS phục hồi, vượt qua giai đoạn đóng băng. Tuy nhiên, về dài hạn, quy định này có thể bị những người đầu cơ lợi dụng để bao chiếm nhiều nhà ở nhằm trục lợi cao nhất và có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.

Theo Ngọc Diễm (NĐT)