Đầu tư xe tham gia Uber và Grabtaxi: Nắm dao đằng lưỡi!

Sau mỗi lượt phục vụ người tiêu dùng, chủ xe sẽ hưởng 80% giá cước, 20% còn lại là thuộc về công ty phần mềm như Uber, Grabtaxi. Thế nhưng, trong việc hợp tác tưởng chừng đôi bên cùng có lợi này, lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho chủ xe. Không ít người đã mắc kẹt dòng vốn vì lỡ đổ tiền mua xe chạy kinh doanh cho Uber, Grab.

dau-tu-xe-tham-gia-uber-va-grabtaxi

Mẩu quảng cáo thu nhập khủng của Uber

Giải bài toán thu nhập “khủng”

Thời gian vừa qua, Uber và Grabtaxi đưa ra nhiều lời mời chào hấp dẫn khi ký hợp đồng tham gia đội xe. Đơn cử, Uber khẳng định, có thể kiếm được 40 triệu đồng/tháng chỉ với 1 xe hợp tác với đơn vị này. Bản chất bên trong của lợi nhuận “khủng” ấy, là như thế nào?

Thử đưa ra phép tính, với mỗi giờ, một chiếc xe trong tình trạng online để tham gia vào hệ thống Uber, chủ xe sẽ thu về 125.000 đồng. Số tiền này được tính như sau: Trong 1 giờ hoạt động, nếu cước thu được từ người sử dụng dịch vụ dưới 125.000 đồng, Uber sẽ bù vào số tiền tương ứng để đạt mức thu nhập ấy.

Tham gia ròng 8 giờ/ngày, tổng thu nhập của chủ xe là 1 triệu đồng. Trong đó, chi phí gồm: 20% (tức 200.000 đồng) trả cho Uber, trung bình 350.000 đồng tiền xăng/ngày, lương tài xế 300.000 - 350.000 đồng/ngày.


Như vậy, số tiền thực sự vào túi chủ xe chỉ còn 100.000 đồng/xe. Số tiền này có thể tăng lên, trong 2 trường hợp. Thứ nhất, thời gian hoạt động trên 8 giờ/ngày.

Thứ hai, với cách tính phí tăng từ 1,5-4 lần vào giờ cao điểm của Uber, số tiền chủ xe thu về sẽ cao hơn, nhưng tiền này lại “móc” từ túi người tiêu dùng. Suy cho cùng, con số thu nhập 10 triệu đồng/tuần Uber chào mời, thật oái ăm lại chưa trừ các khoản chi phí tới hơn 70-80%.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Grabtaxi. Trong quá trình người viết sử dụng dịch vụ Grabcar đã trò chuyện với các tài xế. Tài xế M.T, chia sẻ, không có xe, anh phải thuê chiếc Kia Morning với giá 500.000 đồng/ngày để tham gia Grabcar.

Theo quy định của Grabtaxi, nếu đạt doanh thu 700.000 đồng/ngày, anh sẽ được thưởng 450.000 đồng. Tức, nếu suôn sẻ tổng doanh thu sẽ là từ 1.150.000 đồng trở lên

Anh T. nhẩm tính, tiền xăng tối thiểu cho chiếc 4 chỗ của anh là 300.000 đồng, trả cho Grab 140.000 đồng (20% của 700.000 đồng), tiền thuê xe 500.000 đồng, tiền ăn uống tối thiểu 70.000 đồng. Vậy, tổng chi phí là 1.100.000 đồng.

Tính ra, thực thu mỗi ngày của anh T. còn 50.000 đồng. Bác tài này tâm sự, để tăng thu nhập, chỉ còn cách “cày” từ sáng cho đến khuya. Có những ngày, chạy chưa đủ 700.000 đồng tiền cước định mức, không được nhận tiền thưởng từ Grabtaxi thì… “lỗ sặc máu”.

Từ những tính toán dễ hiểu trên, có thể thấy, hiện tại người tham gia Uber và Grab đang sống chủ yếu dựa vào “hỗ trợ bù cước/giờ” - đối với Uber và “thưởng khi cước đạt định mức” - đối với Grab.

Hầu hết, nhiều tài xế đều nhận định, với một ngày chạy đủ chỉ tiêu, Grab thu về từ họ 140.000 đồng. Trong khi, số tiền công ty chi thưởng là 450.000 đồng. Vậy, Grab đang bù lỗ 310.000 đồng/tài/ngày. Uber có cách tính khoa học và chặt chẽ hơn, song việc phải bù lỗ là không tránh khỏi.

dau-tu-xe-tham-gia-uber-va-grabtaxi
Nhiều nước trên thế giới quyết liệt phản đối Uber

Coi chừng “ăn trái đắng” vì vội vàng đầu tư xe tham gia Uber, Grab

Việc một công ty phải chấp nhận bù lỗ trong giai đoạn đầu làm thương hiệu, thu hút đối tác tham gia và tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm là chuyện hết sức bình thường.

Thế nhưng, khi đã tạm đạt được mục đích, họ cân đối lại các khoản chi phí cũng là điều hiển nhiên. Vậy, khi nào Uber và Grab giảm hoặc cắt hỗ trợ, và nếu giả thiết vừa nêu là đúng, thì thiệt hại thuộc về ai?

Có hai tình huống xảy ra: Thứ nhất, các dịch vụ này tăng cước để bù lỗ, lúc này người chịu thiệt là người tiêu dùng; Thứ hai, cắt hỗ trợ, tài xế và nhà đầu tư xe mất thu nhập, không thu hồi vốn được sau khi bỏ tiền mua xe tham gia Uber, Grab.

Đặt câu hỏi với các tài xế, các dịch vụ này liệu có giảm hoặc cắt hỗ trợ? Hầu hết đều khẳng định, điều đó là chắc chắn. Bởi, không ai đầu tư để chịu lỗ. Thời điểm các công ty này “lật bài ngửa”, có lẽ cũng sắp cận kề.

Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã gặp anh T.B, một nhà đầu tư từng hăm hở vay ngân hàng mua xe tham gia Grab vì thu nhập giai đoạn công ty này mới xuất hiện quá béo bở.

“Thời điểm ấy, Grab áp dụng chỉ tiêu 19 chuyến/ngày, đạt mức đó sẽ thưởng 900.000 đồng. Giá cước lúc này siêu rẻ nên khách hàng rất đông. Chúng tôi không quan tâm số tiền cước thu được từ khách, vì chẳng đáng bao nhiêu.

Cốt chỉ cần chạy đủ số chuyến là ẵm tiền về nhà. Tôi nhẩm tính, chỉ cần chạy 1 năm rưỡi là đủ tiền thanh toán chiếc xe nên thế chấp nhà để mua. Ai dè, chưa được bao lâu thì công ty đổi cách tính thưởng.

Nay, chạy suốt ngày suốt đêm mới hy vọng kiếm chút đỉnh về nuôi vợ con và trả lãi ngân hàng. Nếu sắp tới, bỏ luôn khoản hỗ trợ, thì tôi chỉ còn cách thanh lý xe, trả nợ và kiếm nghề khác” - anh T.B chia sẻ khó khăn.

Anh C.Q rất mê xe ô tô. Thế nhưng bài toán mua ô tô thực sự chưa phù hợp với thu nhập của anh. Thấy Uber đưa ra lời mời hợp tác có thể kiếm 10 triệu đồng/tuần, anh chắc mẩm sẽ xoay sở ổn thỏa. Đến khi mua xe và đăng ký tham gia mới biết, với công việc thường ngày, thời gian để online Uber đợi khách đã chiếm trọn quãng nghỉ trưa và buổi tối của anh.

Trong khi đó, do thời gian tham gia/ngày ít, chỉ dưới 4 giờ nên thu nhập của anh chẳng đáng là bao. “Giờ thì mệt mỏi với các khoản phí xăng, bến bãi, đậu xe và hàng chục khoản chi tốn kém khác để “nuôi” con xe!” - anh Q. nói.

dau-tu-xe-tham-gia-uber-va-grabtaxi
Nhiều chủ xe gặp phiền toái khi bị phát hiện và xử phạt (Ảnh: Giao thông)

Có một thực tế, Uber và Grab đang hô hào mức thu nhập khủng để mời các chủ xe tham gia hệ thống. Các dịch vụ kết nối này khẳng định, chỉ thu 20% tiền cước/chuyến.

Thế nhưng, trong việc hợp tác này, phía bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mua xe và có 80% tiền cước/lượt phục vụ chỉ đóng vai trò phụ. Uber và Grab không đầu tư xe nhưng thực tế lại điều phối phương tiện đối tác, toàn quyền điều chỉnh mức giá cước, đưa ra nội quy, tự ban hành quy chế thưởng. 

Đó là chưa kể, khi bài toán kinh doanh không thành công hoặc chính sách của nhà nước đối với các dịch vụ này thay đổi, hai đơn vị này có thể rút khỏi Việt Nam, hủy giao kèo với các chủ xe. Trong trường hợp này, hàng loạt nhà đầu tư từng đổ vốn đầu tư xe sẽ lãnh đủ.

Trước thực trạng và những nguy cơ có thể nhìn thấy trên, rõ ràng nhà đầu tư nên cân nhắc và thận trọng trước khi quyết định đầu tư mua xe tham gia Uber và Grabtaxi. Những lời mời chào “có cánh”, thường… mật ngọt chết ruồi.

Theo thông tin từ Thanh tra Giao thông vận tải TP.HCM, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra và xử phạt hàng trăm xe Uber và Grabtaxi hoạt động trái quy định. Mức phạt với mỗi xe là từ 2 - 4 triệu đồng. Vấn đề đáng lo ngại là sau khi bị phạt, đa số các xe này đều tái phạm.

Theo Hồng Sỹ (Baobaovephapluat)