Đường giao thông – 'cỗ máy nảy nở' tiền cho các đại gia?

Dư luận thời gian qua đã lên tiếng bức xúc việc trạm thu phí đường dự án BOT tùy tiện, dẫn đến nguy cơ cắt khúc hệ thống đường bộ, tăng phí vận tải và trở thành "nỗi ám ảnh" đối với DN vận tải.

Mới đây, dư luận ngạc nhiên khi 6 doanh nghiệp cùng nhau thi công... 6km đường ở Thanh Hóa theo hình thức BOT. Nhiều dấu hỏi đã được đặt ra từ việc đầu tư được cho là “vô tiền khoáng hậu” này. Không ít chuyên gia thắc mắc, phải chăng, việc xây đường, dựng trạm thu phí đang trở thành “cỗ máy” siêu kiếm tiền cho các đại gia? Bởi thế, thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” xây dựng đã không ngần ngại đổ xô đầu tư vào.

“Miếng bánh” BOT bị “xâu xé”?

Một câu chuyện khó tin vừa xảy ra tại Thanh Hóa khi 6 doanh nghiệp cùng chi tiền để thực hiện 6km đường. Theo thông tin mới nhất mà PV nhận được, chiều 8/8, bộ GTVT đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn I dự án đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa từ km-Km6 theo hình thức xây dựng – Kinh doanh-chuyển giao (BOT). Công trình này được kết hợp bởi 6 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Được biết, sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp sẽ sử dụng trạm thu phí tại km 286+397 QL 1A để hoàn vốn. Thời gian thu phí sẽ kéo dài 13 năm từ 2017-2030.

    Đường giao thông – 'cỗ máy nảy nở' tiền cho các đại gia?

Trạm thu phí đang trở thành nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp vận tải và người dân.

Chiều 10/8, trao đổi với PV báo, ông Phạm Xuân Bài, Chánh Văn phòng sở GTVT Thanh Hóa cho biết: “Đây là một trong những dự án đầu tư do bộ GTVT quản lý dự án, sở GTVT Thanh Hóa không có thẩm quyền phát ngôn. Tuy nhiên theo chúng tôi, đây là một trong những dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà và khu vực”.


Sau khi dự án này được công bố, nhiều người cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Bởi đoạn đường chỉ kéo dài 6km nhưng có đến 6 doanh nghiệp cùng phối hợp thi công thực hiện. Một vị chuyên gia ngành giao thông vận tải (đề nghị không nêu tên - PV) thắc mắc: “Không hiểu đoạn đường này quan trọng thế nào mà có đến 6 đại gia lao vào thực hiện. Như vậy, tính bình quân là mỗinhà thầu nhận 1km. Doanh nghiệp khi chi tiền vào đầu tư đều nghĩ đến lợi ích của mình. Tuy nhiên, với 6km đường này mà họ nói rằng, chỉ dựng một trạm thu phí, vậy phải đợi đến bao giờ mới hoàn được vốn. Tôi lo ngại, sau này đường hoàn thành, một là doanh nghiệp sẽ thu phí rất cao hoặc sẽ đề nghị di chuyển trạm thu phí ra một địa điểm nào đó có lợi để thu được nhiều tiền nhất”.

Mặc dù ý kiến của vị chuyên gia này chỉ dừng lại ở mức “dự đoán” nhưng không phải không có cơ sở. Có lẽ, mọi tính toán của 6 “ông lớn” ngành xây dựng này sẽ được làm rõ sau khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, việc làm này cũng đặt ra nhiều sự hoài nghi cho dư luận. Việc tập trung vào các dự án BOT của các “đại gia” xây dựng là vì cộng đồng hay đây chính là nơi “đẻ” ra “tiền khủng” cho doanh nghiệp trong tương lai.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, hình thức đầu tư BOT giao thông nở rộ, riêng tuyến QL1A đã có hàng chục dự án BOT được khởi công. Nhiều chuyên gia giải thích rằng, sở dĩ các doanh nghiệp đầu tư đổ xô vào lĩnh vực này vì họ nhìn ra được số tiền lớn sẽ thu được trong tương lai. Bởi khi xây công trình BOT, phần đi vay ngân hàng theo lãi suất thương mại cũng được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn. Với cách thức tính như vậy, chủ đầu tư chỉ cần ít vốn cũng thực hiện được. Điển hình là các dự án BOT trên QL1A, nhà đầu tư chỉ có 15% vốn, 85% còn lại là đi vay ngân hàng. Với tuyến đường độc đạo như QL1A mà thời gian thu phí lại từ 20-25 năm thì nhà đầu tư không bao giờ lo rủi ro. Trong khi đó, trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc chi tiền ra đầu tư dự án bất động sản, hay các công trình khác tỉ lệ rủi ro rất cao.

Đường giao thông sẽ là cỗ máy “tận thu” cho doanh nghiệp tương lai?

Nói cho cùng, việc các doanh nghiệp theo hình thức BOT cũng chỉ để sau này hoàn vốn từ những “cỗ máy” trạm thu phí. Bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về việc lập thu phí thì không ít cung đường trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Được biết, theo quy định, khoảng cách đặt trạm thu phí phải từ 70km nhưng có nhiều cung đường chỉ 40km có đến 3 trạm thu phí. Có lẽ, nhìn thấy điều này mà không ít “đại gia” xây dựng đã lao vào làm đường theo hình thức BOT.

Trao đổi với PV báo về vấn đề trên, TS. Đinh Thanh Bình, Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, ĐH GTVT cho biết: “Đúng là hiện nay, không ít cung đường có quá nhiều trạm thu phí khiến người dân bức xúc. Tôi đã từng chứng kiến đoạn đường chưa đầy 60km mà các doanh nghiệp lập đến 3 trạm thu phí. Khi đó, tôi có đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh thì vị này nói rằng, đoạn đường đó xấu nên phải chia thành 3 đoạn và giao cho 3 nhà thầu thi công. Ngay sau thời điểm hoàn thành, họ lập nên 3 trạm thu phí để hoàn vốn. Điều này cho thấy nhiều tuyến đường hiện nay bị chia nhỏ một cách vụn vặt và đặt các trạm thu phí quá gần nhau gây bức xúc cho người dân. Theo tôi, để dẫn đến tình trạng này là do các quy định, quy hoạch của chúng ta còn tỏ ra bất cập”.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, bộ GTVT cho rằng, theo quy định, phải 70km mới được lập một trạm thu phí. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp phớt lờ quy định này diễn ra ngày một nhiều. Nguyên nhân là do chính sách, quy hoạch của chúng ta làm chưa tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan địa phương và Trung ương không phối hợp tốt trong việc kiểm soát nên các doanh nghiệp tùy tiện lập trạm thu phí. Họ làm mọi cách tận thu tiền của người dân để mau chóng hoàn lại vốn.

Cũng theo TS. Thủy, hiện nay đang có một thực trạng đáng suy ngẫm là người ta đang thương mại hóa quá mức các con đường. Giao thông là nhu cầu thiết yếu của người dân và người ta đã lạm dụng nhu cầu đó để kiếm tiền. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp coi việc làm đường, lập trạm thu phí thành một “chiêu”, “mảnh đất kiếm tiền màu mỡ”. Chính vì thế, trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp thi nhau đầu tư vào làm đường giao thông, thực hiện các dự án BOT. Họ được ưu đãi về vốn, rủi ro thấp và có thể thu hồi vốn, sinh lời trong khoảng thời gian dài.

Nhiều chuyên gia khẳng định, ở các nước trên thế giới, tất cả dự án BOT được thẩm tra rất kỹ và công khai, minh bạch thông tin, nhất là thông tin về phần thu của nhà đầu tư. Ví dụ, họ công khai, minh bạch các thông tin như lượng xe đi trung bình trên con đường/ngày là bao nhiêu, một ngày thu phí được bao nhiêu, thu bao nhiêu năm là để thu hồi vốn xây dựng, thu bao nhiêu năm là để nhà đầu tư lấy lãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nội dung này không được công khai, minh bạch. Có chăng chỉ là công bố số vốn đầu tư và thời gian thu phí. Những thông tin khác thì chỉ có nhà đầu tư và một số cơ quan thẩm định biết với nhau. Người dân không biết những con số này nên không thể giám sát được. Chính vì nghe chừng sự thiếu minh bạch này mà các dự án BOT giao thông hiện nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia, chỉ có các công ty trong nước!? Câu hỏi này cần có lời giải đáp.

Không nên BOT ở những cung đường huyết mạch

Đường giao thông – 'cỗ máy nảy nở' tiền cho các đại gia?

TS. Nguyễn Xuân Thủy.

Hiện nay, nước ta đang có một bức tranh biếm họa về các cung đường. Đó là đường cao tốc là đường của người giàu nhất, tốc độ nhanh nhất và nhiều trạm thu phí nhất. Còn những con đường xấu, cũ, miễn phí là của tầng lớp bình dân. Trên đoạn đường QL 1A, người ta ngao ngán vì không thể đếm nổi có bao nhiêu trạm thu phí. Là con đường huyết mạch, cực kỳ quan trọng, nối tất cả các thành phố với nhau, đáng lẽ ra chúng ta nên sử dụng tiền thuế thực hiện để người dân không ải đóng phí khi đi đường. Tôi cho rằng, không phải tất cả các tuyến đường đều có thể thực hiện BOT. Nếu mọi cung đường đều giao cho doanh nghiệp BOT thì người dân không có tiền sẽ đi đường nào. Chúng ta đang vướng phải một vấn đề là cứ con đường nào đẹp, tốt, huyết mạch lại thực hiện BOT. Tôi cho rằng đây là điều không nên”, TS. Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.

Theo Văn Chương - Thiệu Quyền (NĐT)