Hà Nội: Thu giữ nhiều đồng hồ hàng hiệu không rõ nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường số 17 (QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đội 6, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện nhiều cửa hàng bán đồng hồ hàng hiệu nhưng không có hóa đơn chứng từ.

Cụ thể, Đội QLTT số 17 (QLTT Hà Nội) đã kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh đồng hồ trên địa bàn Thành phố. Tại cơ sở kinh doanh đồng hồ SUNLUX, số 122 phố Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 14 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot và 16 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Rolex. Tổng trị giá hàng hóa là: 7.024.000.000 đồng (Bảy tỉ, không trăm hai mươi tư triệu đồng).

Toàn bộ số hàng hóa gồm 30 chiếc đồng hồ đeo tay nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không cùng lô, cùng loại, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

ha-noi-thu-giu-nhieu-dong-ho-hang-hieu-khong-ro-nguon-goc

 Số đồng hồ không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng ngày, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh đồng hồ QUANG 89 LUXURY, tại địa chỉ số 25 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 07 chiếc đồng hồ đeo tay mang các nhãn hiệu ROLEX, AP AUDEMARS PIGUET.


Tất cả hàng hóa do nước ngoài sản xuất, đại điện cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến 07 chiếc đồng hồ nói trên, tại cơ sở không thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định. Đội QLTT số 17 đã tạm giữ toàn bộ 07 chiếc đồng hồ đeo tay nói trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Có thể thấy, việc sưu tầm những chiếc đồng hồ chính hãng là niềm đam mê nhiều người tiêu dùng, thậm chí không ít người sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc đồng hồ chính hãng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang thực sự bị vướng vào ma trận đồng hồ đeo tay khi mà mức độ sản phẩm bị làm giả, làm nhái tinh vi đến mức khó có thể nhận biết bằng mắt thường.

Nhiều chuyên gia về đồng hồ cho biết, người tiêu dùng có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng đồng hồ. Với tâm lý "đắt xắt ra miếng", sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua đồng hồ "hàng hiệu" vì cho rằng mức giá này chỉ có thể là hàng thật. Thế nhưng, chất lượng của những chiếc đồng hồ "hàng hiệu" này ra sao thì vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ khi không có hóa đơn, giấy tờ.

Theo VietQ