Hiểm họa khôn lường từ những chiếc "nồi áp suất" giữa lòng các đô thị lớn

Điểm chung của các ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn khiến nhiều người tử vong là cơi nới chuồng cọp, lối thoát hiểm hạn chế, diện tích sống chật hẹp và không có đường thoát nhiệt.

Đám cháy nhỏ "nuốt chửng" 5 mạng người

Vụ hỏa hoạn mới đây xảy ra tại địa bàn phường Kim Liên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) một lần nữa trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đầy xót xa đối với tình trạng người dân tự ý cơi nới, bịt kín các lối thoát hiểm trong không gian sống của chính gia đình mình.

Cụ thể, khoảng 1h10' sáng 21/4, một ngọn lửa bùng phát tại căn nhà 2 tầng, 1 tum với diện tích khoảng 41m2 (nằm trong con ngõ 65 phố Phạm Ngọc Thạch). Tiếp nhận tin báo, Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo các lực lượng chuyên trách phối hợp với người dân tổ chức chữa cháy và cấp cứu người bị nạn. Đến khoảng 1h23 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Điều đáng nói, mặc dù đám cháy không lớn, lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời và dập tắt đám cháy sớm, tuy nhiên do căn nhà dạng ống nhỏ không có đường thoát nhiệt, chỉ có một lối thoát hiểm rất nhỏ trên nóc nhà nên khi hỏa hoạn xảy ra khiến khói bốc nhanh dẫn tới hậu quả làm 5 người chết và 2 người bị thương.

hiem-hoa-khon-luong-tu-nhung-chiec-noi-ap-suat-giua-long-cac-do-thi-lon

Khu vực nơi xảy ra vụ hỏa hoạn. Ảnh: MK

Danh tính 5 nạn nhân tử vong gồm: Bà Đ.T.M. (SN 1948, chủ hộ), chị Đ.M.H. (SN 1985, con dâu của bà M.), anh B.N.K.(SN 1985, con ruột bà M.), cháu B.N.P. (SN 2012, con trai của anh L.) và cháu B.G.H. (SN 2021, cháu nội chủ hộ). Riêng anh B.N.L. cùng cháu B.Q.H. đã thoát qua cửa tum sang mái nhà bên cạnh. Hậu quả, anh L. bị bỏng ở tay và chân; riêng cháu H. không bị thương.

Liên quan đến vụ việc, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên cho biết, khu vực xảy ra cháy khiến 5 người tử vong nằm sát tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy như, cơi nới "chuồng cọp", lối thoát hiểm hạn chế...


"Trong thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân để khắc phục tình trạng này. Cùng với đó sẽ mở thêm lối thoát hiểm, kiên quyết xử lý như cưỡng chế nếu có tái phạm...", ông Sơn cho biết thêm.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên hỏa hoạn nhà dân khiến nhiều người tử vong. Trước đó, vào ngày 30/3/2021, một căn nhà tại phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) bốc cháy khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng. Điều đáng nói, tứ phía ngôi nhà bít bùng, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.

Còn vụ cháy ở số nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 4 người tử vong ngày 4/4/2021 là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, lối ra vào duy nhất là cửa chính.

Tìm ra giải pháp là nhiệm vụ sống còn

Trao đổi với PV về thực trạng trên, kiến trúc sư Mai Xuân Huy bày tỏ quan điểm: Việc nhà dân riêng lẻ, đặc biệt các khu tập thể cũ ở khu đô thị lớn có lịch sử xây dựng hàng chục năm, các gia đình cơi nới, xây dựng chuồng cọp ngày càng phổ biến. Việc làm trên bắt nguồn từ chính nhu cầu của người dân muốn mở rộng thêm diện tích sinh hoạt. Tuy nhiên, hệ lụy mà nó gây ra là hết sức khó lường. Khi kết cấu các ngôi nhà bị ảnh hưởng do phải tải thêm trọng lượng, đặc biệt là các lối thoát hiểm gần như bị bịt kín bởi các lồng sắt tự chế.

hiem-hoa-khon-luong-tu-nhung-chiec-noi-ap-suat-giua-long-cac-do-thi-lon

Căn nhà xảy ra vụ cháy lắp "chuồng cọp" kín mít. Ảnh: VNN

Nguyên tắc cơ bản khi xây dựng một ngôi nhà để ở, người thiết kế luôn cố gắng tạo ra nhiều không gian mở nhằm tối ưu hóa khi có sự cố xảy ra. Thực trạng nhiều căn nhà, khu tập thể cũ chi chít chuồng cọp cơi nới, trước hết là do lỗi chủ quan của người dân, nhưng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề xây dựng đô thị là không thể tránh khỏi. 

Thiết nghĩ, để những câu chuyện thương tâm như trên không còn lặp lại, bản thân người dân phải tự thay đổi tư duy, đồng thời chính quyền cần phải mạnh tay, xử lý quyết liệt để dẹp bỏ vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Ngoài ra, cần có thêm quy định nhà ở riêng lẻ cũng phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Riêng đối với nhà ở kiêm cửa hàng thì hệ thống báo cháy tự động càng cần thiết.

Không chỉ lưu ý về vấn đề lối thoát nạn, người dân cũng cần phải quan tâm tới hệ thống đường điện trong nhà. Dây điện nên sử dụng loại tốt, chịu tải cao và thường xuyên kiểm tra, bảo trì để đề phòng việc chập cháy dẫn tới hỏa hoạn.

Tại TP Hà Nội, nhiều tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Mai, Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), Tam Trinh, Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) có rất nhiều nhà ở, cửa hàng kinh doanh hàng hóa tương tự ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn. Điều đáng nói, những ngôi nhà phố này được làm dạng "nhà ống" nằm san sát nhau. Cửa sổ các tầng được làm song sắt và "chuồng cọp" ở tầng tum được tận dụng làm nơi ở.

Theo GiaDinh