Lo sợ bị ung thư khi nổi hạch ở cổ, cô gái sững sờ với căn bệnh nhiều người mắc nhưng ít ai nghĩ đến này

Bỗng thấy vùng cổ sưng to, sở nổi hạch, chị N.T đã rất lo sợ mình mắc phải bệnh ung thư giống như bố của mình. Khi vào khám, chị sững sờ về bệnh của mình nhiều người cũng mắc nhưng ít ai nghĩ đến này.

Mắc lao hạch tưởng ung thư

Chị N.T, 28 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, vào một ngày trước khi đi làm soi gương thấy phần cổ của mình to hơn bình thường và sờ thấy hạch nổi cục. Nghĩ đến người bố mắc ung thư hạch, chị đã vô cùng lo lắng. Ngay sau đó, chị sắp xếp đi khám luôn. Ngược xuôi đi khám mà kết quả không đồng nhất càng làm chị thấy hoang mang hơn.

Vào thăm khám ở bệnh viện Medlatec, chị được chỉ định làm xét nghiệm máu (tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu, CD4); chụp X-quang tim phổi; siêu âm hạch; siêu âm tổng quát; xét nghiệm dịch hạch (hạch đồ; Gene Xpert; MGIT); sinh thiết.

Kết quả cho thấy, không chỉ ở cổ, mà toàn thân của chị có nhiều hạch. Dựa vào bằng chứng tế bào học, vi khuẩn học và công nghệ sinh học phân tử, các bác sĩ đã kết luận chị bị lao hạch - một trong những loại lao ngoài phổi thường gặp tại Việt Nam. 

Khi biết mình mắc bệnh này, chị đã sững sờ vì không ngờ rằng mình lại mắc bệnh lao hạch vì chỉ nghe đến bệnh lao phổi. Điều trị gần một năm, hiện tại hạch ở ổ bụng đã hết, chỉ còn hạch ở cổ vì khối hạch to. Chỉ còn ít thời gian nữa là chị kết thúc quá trình điều trị.

lo-so-bi-ung-thu-khi-noi-hach-o-co-co-gai-sung-so-voi-can-benh-nhieu-nguoi-mac-nhung-it-ai-nghi-den-nay

Bệnh lao hạch rất nhiều người bỏ qua vì triệu chứng không điển hình. Ảnh minh họa


Giống như bệnh nhân T., nhiều ca bệnh mắc lao ngoài phổi khác cũng được phát hiện. Như trường hợp bệnh nhân nữ N.T.H, 30 tuổi, ở Kinh Môn (Hải Dương) vài năm nay ở hai bên cổ xuất hiện hạch. Chị đã đi khám nhiều lần chưa điều trị, chỉ theo dõi tại nhà.

Thời gian gần đây, hạch nổi rõ hơn. Đi khám, chị phát hiện mắc lao hạch trong khi chị đang mang thai 16 tuần. May mắn vì được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ riêng, chị đã được đảm bảo mang thai và sinh con bình thường. Sau khi sinh con, các bác sĩ đánh giá lại và điều chỉnh phác đồ tuỳ theo đáp ứng bệnh.

BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp tiếp nhận điều trị cho biết, nhiều người mắc lao hạch nhưng rất ít người để ý đến căn bệnh này.

Do triệu chứng không điển hình nên bệnh dễ bị bỏ qua. Thực tế cho thấy, khi khám nguyên nhân lao thường bị bỏ qua và đa phần mọi người nghĩ cứ hạch là khối u, ung thư hơn nên bỏ sót. Tuy nhiên, người mắc bệnh có thể sờ thấy hạch, sốt nhẹ, mệt mỏi, kém ăn, gầy xuống cân là những dấu hiệu người dân không được chủ quan.

Bệnh lao hạch có thể gặp ở nhiều vị trí trên cơ thể như hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn và các hạch ở nội tạng. Có khoảng 15 - 20% bệnh nhân mắc lao ngoài phổi trong số bệnh nhân lao.

Tỷ lệ này tuy không cao nhưng đáng nói là khả năng mắc lao ngoài phổi lại là khả năng cuối cùng nghĩ đến khi điều trị các phương pháp đều không khỏi. Việc phát hiện, điều trị muộn sẽ để lại nhiều hệ lụy không đáng có.

Điều cần biết để phát hiện lao hạch?

Để chẩn đoán lao hạch, theo BS Tuấn, bệnh nhân khi thấy cơ thể có vùng nổi hạch cần đi khám ngay. Nếu nghi ngờ mắc lao hạch cần được lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện các kỹ thuật tìm bằng chứng chẩn đoán bệnh gồm:

• Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu; sinh hóa máu; CD4

• Chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, chụp X - quang tim phổi; chụp cắt lớp vi tính (CT Scaner)

• Làm xét nghiệm dịch hạch với hạch đồ; Gene Xpert; MGIT.

Sau khi kiểm tra lâm sàng, xét nghiệm khẳng định chính xác bệnh, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn theo hướng điều trị nội khoa mà không cần phải phẫu thuật và phối hợp các thuốc chống lao, điều trị đủ liều, đủ thời gian theo phác đồ.

Để việc điều trị được hiệu quả cao nhất, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần phối hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Việc tuân thủ phác đồ điều trị rất quan trọng để nhanh chóng khỏi bệnh, không tái phát và trở lại cuộc sống bình thường.

Theo GiaDinh