"Mất ăn, mất ngủ" vì nuốt phải kẹo cao su

Thẳm sâu bên trong chúng ta, luôn ẩn chứa những nỗi sợ hãi bản năng nhất. Nó "càn quấy" giấc ngủ, khiến ta mộng mị không yên.

Những viên kẹo đầy màu sắc, thơm thơm và ngòn ngọt này là một trong vô vàn thứ hấp dãn tụi trẻ chúng ta. Hình minh họa.

1. Vô tình nuốt kẹo cao su: Nỗi sợ hãi kinh hoàng của tụi trẻ con 

Tôi dám cá là không ai trong chúng ta chưa một lần vô tình nuốt phải kẹo cao su, đặc biệt là khi còn bé tẹo.

Thứ kẹo nhiều màu sắc, thơm thơm lại nhai mà mãi không hết này chắc chắn là một trong vô số thứ hấp dẫn tụi trẻ chúng ta hồi bé xíu.


 Kẹo cao su... hấp dẫn tụi nhỏ chúng ta quá đi >.<. Hình minh họa.

Ấy thế mà, nếu chẳng may đang vừa nhai nhai vừa hò hét với chúng bạn quá đà, bã kẹo cao su đã hết ngọt và trơn tuột kia lại.... tõm vào họng nhanh như chớp mắt thì...

Nuốt không kiểm soát các thức ăn khác (như kẹo ngọt) thì không sao, nếu nuốt kẹo cao su với "truyền thuyết không thể đáng sợ" hơn là: Bị dính ruột, rồi tắc ruột và 7 năm mới tiêu hóa hết thì quả là ác mộng.

Lại khóc nhè và chạy về mách mẹ để mẹ chữa cho chúng ta thôi. Với những cô/cậu nhóc "gan lì cóc tía" thì sẽ im im, không dám mách mẹ mà âm thầm chịu "dày vò" mấy ngày liên tiếp.

 Tội chưa kìa.... Ảnh: Internet.

Nào là "mẹ sẽ bắt đi bác sĩ, mình sẽ bị tiêm", "hay mình sắp chết, kẹo dai dai thế mà", rồi"nếu còn sống, mình hứa sẽ không ăn kẹo cao su nữa, chừa thẳng!"...

Với tai nạn to đùng như con voi đó, chúng ta ít nhất cũng phải mất đến... mấy phút để lo lắng ấy chứ, rồi sau đó lại lăn quay ra ngủ sau một ngày dài chơi mệt.

Thậm chí, đang đêm ngủ lại giật mình "thon thót" vì gặp cơn ác mộng liên quan đến... nuốt kẹo cao su rồi bị "ông ngáo ộp" bắt đi ấy chứ.

Tuổi thơ ngây ngô thật đáng yêu. Mặc cho chúng ta còn bé, chúng ta chưa biết nhiều, chúng ta chưa hiểu và rút được nhiều kinh nghiệm thì những "tai nạn" này vẫn thật đáng yêu.

Giá mà ngày đó chúng ta biết, nuốt kẹo cao không quá nguy hiểm và đáng sợ như "truyền thuyết" thì chẳng phải "mất ăn, mất ngủ" rồi "lo ngay ngáy" cả ngày đâu nhỉ.

2. Các nhà khoa học nói sao?

Nhân câu chuyện về nuốt kẹo cao su, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào rồi mới tính đến chuyện nuốt kẹo cao su không nguy hiểm như thế nào nhé!

Hoạt động của hệ tiêu hóa

Tiêu hóa là quá trình phân hủy phân tử thức ăn không hòa tan lớn THÀNH phân tử thức ăn tan trong nước nhỏ để có thể được hấp thu vào huyết tương.

Sơ đồ hệ tiêu hóa. Ảnh: Internet.

Quá trình tiêu hóa bắt đầu khi chúng ta đưa thức ăn vào miệng. Quá trình nhai và nuốt gọi là quá trình tiêu hóa cơ học. Ngay sau đó, quá trình tiêu hóa hóa học được tiếp tục thực hiện trong bộ máy tiêu hoá.

Tất cả các bộ phận của bộ máy tiêu hoá nối liền với nhau. Miệng nối với hầu. Hầu vừa là đường vào của thức ăn, vừa là đường vào của không khí.

Thực quản đi qua lồng ngực và nối với dạ dày. Dạ dày nối liền với ruột non có hình cuộn lò xo. Bộ phận cuối cùng của bộ máy tiêu hoá là ruột già.

Các enzyme trong nước bọt, dạ dày và ruột sẽ cho phép bạn chuyển đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thụ.

Hiệp hội Hóa học Mỹ khẳng định rằng một số loại kẹo cao su mà chúng ta ăn hoàn toàn có khả năng tiêu hóa được. Nghĩa là, những lời đồn thổi ở trên là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

 Nuốt 1 bã kẹo cao su ư? Chả có gì nguy hiểm. Hình minh họa.

Vậy, nuốt kẹo cao su không nguy hiểm như thế nào?

Riêng kẹo cao su không thể tiêu hóa như những thực phẩm thông thường. Kẹo cao su được làm từ nhiều thành phần như: Mủ cao su tự nhiên hoặc nhân tạo (gôm), đường, chất tạo màu, tạo mùi…

Thành phần cao su khó tiêu hóa hơn những thực phẩm thông thường – nó là hỗn hợp của chất đàn hồi, nhựa thông, chất béo.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy kẹo cao su hoàn toàn không bị nghiền nát bởi quá trình nhai. Và dạ dày của bạn cũng không thể phân hủy gôm theo cách thường thấy.

Đó là đặc điểm riêng của loại kẹo này. Song, hệ tiêu hóa sẽ có cách xử lý riêng đối với những trường hợp hi hữu này.

Khi nuốt phải, bã kẹo cao su cũng sẽ đi qua hệ tiêu hóa giống như tất cả mọi loại thực phẩm khác.

Một số chất dễ bị phân hủy sẽ được hấp thụ, chẳng hạn như đường và chất chiết xuất từ dầu, nhưng với chất bảo quản hay chất đàn hồi trong đó thì phải mất một vài ngày.

Khi đó, ruột của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn. Nó co bóp không ngừng để "tống khứ" kẹo cao su ra ngoài.

Sau vài ngày chắc chắn sẽ chẳng có mảy may chút kẹo cao su nào ở trong bụng bạn.

Như vậy, việc chúng ta chẳng may nuốt phải kẹo cao su không còn là việc đáng lo ngại. Tuy nhiên, đừng chủ động nuốt kẹo cao su nếu bạn không muốn ruột mình bị tắc và phải đến bác sĩ.

Giờ thì bạn đã hiểu vì sao hồi bé chúng ta nuốt kẹo cao su mà không phải đi "gặp ông bà, ông vải" rồi chứ!

Theo ttvn