Nguy cơ lây nhiễm viêm gan A khi uống bia giá rẻ

5.000 đồng/lít bia tương đương 3 cốc bia lớn, tức là chúng có giá còn rẻ hơn 1 cốc trà đá. Nhưng có ai biết rằng, loại bia này chứa nhiều độc tố.

Bia cỏ hay bia giá rẻ sản xuất với công nghệ khiến người uống giật mình. Và dù biết, những loại bia này không hề tốt cho sức khỏe nhưng ngoài vỉa hè, quán nhậu, mỗi ngày hàng nghìn lít bia cỏ loại này vẫn đang bán ra thị trường. Ai cũng tặc lưỡi: uống cho mát cái đã, còn sức khoẻ, tính sau.

Thông tin trên báo Infonet, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, bia cỏ hay còn gọi là bia gia công được sản xuất rất nhiều ở các tỉnh lẻ hay những khu dân cư thu nhập thấp vì có giá rẻ. Bia phố cổ cũng là loại bia gia công từ ngày xưa là chủ yếu.

Uống bia ở những quán bia cỏ, bia giá rẻ song an toàn vệ sinh không đảm bảo khiến nguy cơ nhiễm các vi khuẩn khác rất cao.

PGS Thịnh chia sẻ thực tế ông gặp nhiều quán bia họ chẳng rửa lại cốc vì đông khách, họ chỉ thu cốc vào rồi lại rót bia mặc cho cặn bia hay uống chung cốc. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường ăn uống như viêm gan A cũng có.

Giải thích lý do bia gây đau đầu, mệt mỏi sau khi uống bia, PGS Thịnh cho biết thực chất nguyên nhân gây đau đầu đó là chất diaxetyl. Trong bia cỏ, chất này có hàm lượng cao nên gây các biểu hiện như trên.

Diaxetyl là một loại chất độc tự sản sinh ra trong quá trình biến đổi sinh hóa khi lên men. Chất này sẽ có nồng độ khá lớn trong những ngày đầu lên men nhằm tạo ra hương thơm cho bia và giảm dần vào các ngày sau đó.


Những nhà sản xuất bia thường đảm bảo để cho các chất này giảm dần theo thời gian hay còn gọi là ngày ủ men bia.

Tuy nhiên, trong bia cỏ, ngày nay thường bị người làm bia cắt ngắn, không đảm bảo đủ quy trình nên chất diaxetyl vẫn còn lại trong nước bia. Khi uống phải chất này, người uống cảm thấy đau đầu.

Nguy cơ lây nhiễm viêm gan A khi uống bia giá rẻ
Giá của mỗi cốc bia cỏ rẻ hơn 1 cốc trà đá. Ảnh: minh họa

Không chỉ rút ngắn thời gian lên men bia, bia cỏ còn được thay đổi công thức nguyên liệu.

Ví dụ bia phải làm từ mạch thì người ta thay bằng nguyên liệu gạo, ngô, sắn… Chính các thành phần này làm cho bia cỏ không thể có chất lượng, mùi vị và màu đẹp như bia nhà máy.

Hơn nữa, trang thiết bị, công nghệ không đảm bảo quy chuẩn cũng khiến cho nhiệt độ không ổn định, lên xuống thất thường cũng là một nguyên nhân gây nên các độc tố như diaxetyl và aldehyde cao khi ra bia thành phẩm.

Sử dụng men công nghiệp còn gây ảnh hưởng đến nồng độ cồn metylic. Đây là cồn có trong rượu công nghiệp có thể gây ngộ độc nhưng ở bia lượng cồn thấp hơn rượu thường các bia cao nhất chỉ 5% độ cồn, không gây ngộ độc cấp tính, song có thể gây ngộ độc trường diễn.

Ông Nguyễn Cao Hoằng, Giám đốc Trung tâm phát triển Kỹ thuật Công Nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, để đảm bảo quy trình công nghệ, sản xuất bia phải đủ thời gian lên men qua hai giai đoạn là lên men chính (lên men thành phần nguyên liệu) và lên men phụ (thời gian lên men để khử độc và ổn định chất lượng bia). Nhiệt độ lên men khoảng từ 2 - 8 độ C và ổn định trong suốt quá trình lên men cũng quyết định chất lượng bia.

Tuy nhiên, trong sản xuất gia công thời gian lên men thường bị rút ngắn đi rất nhiều, đặc biệt là thời gian lên men phụ không đủ để khử hết các độc tố gây đau đầu, mệt cho người sử dụng.

Đối với các loại bia của nhà máy an toàn thì người uống cũng sử dụng vừa phải. Một ngày có thể dùng 1,5 cốc bia hoặc 1 lon bia là đủ. Vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vừa tốt cho tiêu hóa và thanh nhiệt.

Theo Vũ Minh (Phapluatplus)