Những nhận định sai lầm về sữa mẹ gây thiệt thòi cho bé

Ngày nay rất nhiều quan niệm như sữa mẹ tốt, sữa mẹ xấu, sữa mẹ "nóng" với bé đang tạo nên một áp lực vô hình đè nặng lên các bà mẹ trẻ, và điều đó cũng khiến các bé chịu không ít thiệt thòi.

Theo chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn: “Tôi không biết "huyền thoại" này từ đâu ra, nhưng nó thật sự là rất "không khoa học", thậm chí là không có một văn bản y khoa hay dinh dưỡng nào có những khái niệm "sai lầm" như vậy về sữa mẹ”.

Mặc dù có rất nhiều bà mẹ đã có nhiều cơ hội đọc nhiều tài liệu sức khỏe chính thống và đủ sáng suốt nhận ra những khái niệm đó là vô lí. Nhưng những áp lực từ việc làm mẹ lần đầu, sự không thấu hiểu chia sẻ từ gia đình và những lo lắng về tình trạng tăng trưởng không tốt tạm thời của bé đã làm nhiều bạn trở nên hoài nghi về sữa mẹ của bản thân mình.

Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn có những chia sẻ thật tâm tình cho các bà mẹ trẻ: "Lo lắng hay áp lực cho những điều này làm các bạn trở nên không sáng suốt để chăm sóc bé. Thay vì hoài nghi về sữa mẹ, bạn hãy bình tâm xem xét điều gì làm bé bạn không tăng trưởng tốt".

Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn cũng chia sẻ: "Không có gì đáng hoài nghi về sữa mẹ, không có sữa mẹ nào tốt hay xấu, không có sữa mẹ nào nóng với bé. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và nên ưu tiên hàng đầu cho bé. Bé tăng trưởng không tốt, không phải lỗi ở sữa mẹ, có thể là do cách bé chưa bú đúng, dẫn đến bé bú không đủ sữa để tăng trưởng."


Không có gì đáng hoài nghi về sữa mẹ, không có sữa mẹ nào tốt hay xấu, không có sữa mẹ nào nóng với bé


Khi bé bú mẹ, bé bị chậm tăng trưởng, những điều quan trọng sau, các bạn nên đánh giá:

+ Bạn có đủ thời gian tương tác da kề da, tạo mối liên hệ mẹ và bé. Bé stress, mệt mỏi, ít tương tác với mẹ thì bé có xu hướng bú khi ngủ, lúc thức bé sẽ không bú hoặc hạn chế bú. Điều này làm bé giảm cơ hội lấy đủ sữa/ngày. Mẹ nên dành thời gian 5-10 phút tương tác da kề da với bé trước khi bé bú (làm điều này càng nhiều khi bé trước 4 tháng tuổi, thiếu sự tương tác sẽ làm bé ít bú hơn khi tuổi dần lớn).

+ Bé có ngậm vú đúng không? Bé ngậm vú đúng cách thì bé sẽ có 2 động tác: 

Động tác 1: bú (mút) 

Động tác 2: nuốt sữa

Nếu bé ngậm vú không đúng, bé chỉ có động tác 1, bé sẽ không nhận được sữa. Bú như vậy làm bé mau mệt rơi vào giấc ngủ. Bé cũng không nhận đủ sữa.

+ Sữa mẹ có tiết ra đều không? Đối với các bạn ít cho bé bú hoặc kết hợp dặm thêm sữa công thức thì bé bú mẹ ít hơn nên sữa sẽ chậm tiết hơn, lâu ngày có thể dẫn đến khó tiết sữa. Do đó, nếu bạn không có cơ hội cho bé bú thường thì nên vắt sữa ra, để dòng sữa luôn liên tục.

+ Thời gian bú một bên vú có đủ lâu không? Việc chuyển vú qua lại thường xuyên trong lúc bú là điều nên tránh, bé nên bú đủ lâu một bên vú 15 phút) để bé nhận đủ lượng chất béo cho tăng trưởng.

+ Nên nhận biết dấu hiệu bé đói, để cho bé bú trước khi bé khóc đòi bú. Khóc làm bé nuốt nhiều không khí, gây nhiều vấn đề về tiêu hóa, bé cũng trở nên dễ mệt mỏi khi bú mẹ.

Đừng vì một phút nhận thức sai mà các bạn đánh mất quyền cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ không có lỗi là thông điệp mà chúng tôi muốn nhấn mạnh để khép lại đề tài này.

Theo nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)

Xuân Anh Lê