Qua mùa thi, mở lối vào đời

Sinh con ra, nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài là niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ. Chính vì vậy mà dù cho con cái có đủ tuổi công dân, đủ khả năng tự lập, lớn “tồng ngồng”, có khi còn cao lớn hơn cha mẹ đi nữa thì cha mẹ vẫn cứ lo lắng không thôi.

Bước tới “mùa thi” bóng xế tà; Sỉ tử khăn gói, phụ mẫu ca

Ngày con khăn gói lên đường “ứng thí” cha mẹ cũng tay xách nách mang đi theo con, sợ con đến xứ lạ quê người không ai chăm cho bữa ăn giấc ngủ, đường đi nước bước, căng thẳng bài vở mà đổ bệnh.

Cách đây hai năm, khi quy chế tuyển sinh Đại học chưa thay đổi, thì cứ mỗi năm, đến độ tháng Bảy, học sinh các tỉnh lại ồ ạt đổ dồn về các thành phố lớn để dự các kỳ thi tuyển sinh Đại học.

Cảnh những người cha, người mẹ, những người nông dân lem luốc nắm chặt tay con băng qua đoạn đường phố đông nghẹt xe trong giờ cao điểm chợt làm tôi nhói lòng. Ngồi trên xe buýt, nhìn thấy những người nông dân giọng quê đặc quánh hỏi hết người này đến người kia đường đến địa điểm thi của con mà tôi thương vô hạn.

Là những người suốt cả cuộc đời chỉ biết làm lụng, dành dụm tiền cho con, cha mẹ không biết hưởng thụ cuộc sống là gì...


(Ảnh: internet)

Để có thể cho con mình có được cơ hội bước chân vào cổng trường Đại học, họ đã đổi biết bao nhiêu mùa thóc lúa, phơi nắng dầm mưa biết bao nhiêu lượt. Đổi lấy sự an tâm của con là sự thấp thỏm lo âu của cha mẹ, lo mùa màng không ai chăm bón, heo gà không ai cho ăn… Người nhà nông là vậy, vốn quen với ruộng đồng nên xa chỉ một ngày thôi họ đã lo quay quắt.

Lom khom trước cổng, người chờ đón; Lác đác phòng thi, nghịch cảnh buồn

Tôi còn nhớ câu chuyện cách đây khá lâu, từ trước khi tôi thi Đại học, có một anh học sinh quê ở miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh thi Đại học, anh không may mắn được bố mẹ dẫn đi thi như bạn bè đồng trang lứa, anh mồ côi, được bà chăm bẵm.

Ngày đi thi hai bà cháu dắt díu nhau lên thành phố, ăn cơm nắm mang theo từ nhà, ngủ ở vỉa hè cạnh địa điểm thi vì quá nghèo, không có tiền thuê phòng trọ.

Những câu chuyện đầy cảm động như vậy năm nào cũng có, bởi không ai có hoàn cảnh giống ai, chỉ có duy nhất một điều là nghị lực của người Việt Nam luôn đáng ngưỡng mộ, tinh thần hiếu học, cầu tiến luôn là động lực giúp con người ta vượt qua được những nghịch cảnh trong cuộc sống.

Cha mẹ luôn đồng hành cùng con trong mỗi bước đăng trình

(Ảnh: Internet)

Mấy hôm nay, song song với những thông tin về thi cử của thí sinh thì báo chí cũng không ngừng đưa những câu chuyện bên lề khiến người đọc bật khóc như: Chuyện người cha đưa con đi thi tranh thủ bán bán rau trước cổng trường thi; Chuyện người cha kêu tên con trước cổng trường để đưa máy tính cho con trong buổi thi môn tiếng Anh; Hay chuyện cô bé bị trễ giờ thi khóc nức nở trước cổng trường thi…

Và còn những câu chuyện đau lòng khác như chuyện người cha chở con gái đi thi bị tai nạn đến tử vong. Mùa thi năm nào cũng vậy, những câu chuyện đắng lòng như vậy vẫn cứ xảy ra, lặp đi lặp lại như đoạn điệp khúc trong một bản nhạc buồn.

Nhớ cha sớm hôm cày quốc quốc, Thương mẹ nhọc nhằn mộng gia gia

Cha mẹ dồn hết sức cho con có một mùa thi trọn vẹn, đến khi còn vào Đại học, cha mẹ lại thêm mấy mùa dài lo lắng nữa. Những lo lắng khi con bước vào đời, tuổi 18 độc hành, bước chân đến giảng đường, xa cách cha mẹ.

Là những người suốt cả cuộc đời chỉ biết làm lụng, dành dụm tiền cho con, cha mẹ không biết hưởng thụ cuộc sống là gì, không dám mua sắm cho mình một món đồ mới, một bữa ăn ngon, họ không dám bỏ đồng bỏ lúa đi chơi một ngày nào nhưng chỉ cần nghe con bệnh, họ liền khăn gói lên thành phố chăm con mà chẳng tiếc những ngày công.

Cha mẹ bao giờ cũng vậy, cả cuộc đời của họ luôn sống vì con. Sướng, vui, khổ, cực cũng là ở đứa con của mình. Mùa thi, con thức bao nhiêu đêm thì cha mẹ trăn trở bấy nhiêu đêm.

Khi con vật lộn với đèn sách thì cha mẹ cũng thao thức từng đêm 

(Ảnh: Internet)

Tôi biết, bởi tôi cũng có những ngày làm ba mẹ tôi mất ngủ như vậy. Khi tôi thức học bài đến 3h sáng thì mẹ tôi cũng không ngủ nằm chờ tôi đến 3h sáng. Có những hôm mẹ thấy tôi gầy rộc vì học hành, thi cử mà xót quá, phải đánh đòn cho tôi đi ngủ.

Dừng chân đứng lại, nhìn năm tháng; Một chốc phong sương, lạc lối về

Nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng là màu hồng. Nhìn những sĩ tử đang trong mùa thi, tôi trăn trở về tương lai của họ ở phía trước. Mọi thứ với các em hôm nay mới chỉ là bắt đầu khi ngã rẽ cuộc đời phía trước còn nhiều trắc trở…

Mùa thi qua đi, bốn năm đèn sách trên giảng đường đại học còn dài ở phía trước, thành công hay thất bại là do mỗi người

(Ảnh: Internet)

Có người vừa đem niềm tự hào đến cho cha mẹ vì thành tích thi cử thì sau đó lại trượt dài trong những ngày tháng sống xa gia đình. Trong khi cha mẹ ở quê nhà sớm hôm cày cuốc, chắt chiu từng đồng gửi cho con ăn học, họ có thể qua bữa bằng cơm mắm dưa cà, thì ở thành phố những sĩ tử chăm chỉ, miệt mài đèn sách ngày nào lại tự cho mình đã thành công và bước vào giấc mộng, mãi ngủ quên trên chiến thắng.

Bởi vì được tự do, không còn sự quản lý của cha mẹ nên họ sẽ mải mê vui chơi mà không lo học hành, tiêu xài hoang phí, bị nợ môn thậm chí bỏ học giữa chừng và nói dối cha mẹ. Họ quên mất những nhọc nhằn của cha mẹ, những ngày mà cha mẹ phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để có được dăm ba trăm ngàn gửi cho con vì sợ con sống xa nhà đói ăn, thiếu mặc…

Vào Đại học, chứng kiến cảnh bạn bè hoang phí, chơi bời mà tôi thương cho cha mẹ họ. Cho đến bây giờ, khi tôi ra trường đi làm được vài năm thì có người vẫn chưa lấy được tấm bằng tốt nghiệp, công việc trầy trật vì cứ cho rằng mình đi học đại học mà không có công việc tương xứng.

Nếu chỉ nhớ về thành tích đậu vào đại học mà quên mất trong suốt bốn năm cần phải miệt mài đèn sách thì “chiến tích” đó sớm muộn cũng sẽ thành “tàn tích”. Khi ra trường, bạn bè lo bon chen tìm việc khắp nơi thì những sĩ tử vang danh năm xưa lại chỉ biết ngồi đổ thừa cho cuộc sống không công bằng.

Nghĩ lại, bắt đầu từ khi con thi Đại học đến khi ra trường là một chuỗi ngày dài đăng đẳng của cha mẹ, chạy vạy ngược xuôi khắp nơi để lo cho con một tấm vé vào đời danh giá. Sĩ tử hôm nay hãy nhìn rõ những lo toan của cha mẹ để nhớ rằng, thi và đậu vào Đại học chỉ là mới bắt đầu, chặng đua hãy còn dài, bốn năm đèn sách trên giảng đường vẫn còn phía trước.

Mùa thi đến, rồi mua thi sẽ qua. Hãy đi con đường bạn chọn nhưng đừng bao giờ để lạc lối về…

Bài viết có tiêu đề chính và các tiêu đề phụ được tái lập từ bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

QUA MÙA THI

Bước tới “mùa thi”, bóng xế tà

Sỉ tử khăn gói, phụ mẫu ca.

Lom khom trước cổng, người chờ đón,

Lác đác phòng thi, nghịch cảnh buồn.

Nhớ cha lao khổ lo cày cuốc,

Thương mẹ nhọc nhằn mộng gia gia.

Dừng chân đứng lại, nhìn năm tháng,

Một chốc phong sương, lạc lối về.

Quỳnh Thư