Sự thật về tục kiêng kỵ trong 'tháng cô hồn'

Tháng cô hồn bắt nguồn từ bao giờ? Vì sao lại gọi là tháng cô hồn? Có nên kiêng kỵ đầy đủ trong tháng cô hồn?

Trong đời sống tâm linh người Việt, cứ vào mỗi độ tháng 7 Âm lịch hàng năm là mọi người đều tỏ lòng thành kính báo hiếu của mình với những người đã khuất mà người xưa truyền tai nhau gọi tháng 7 là “tháng cô hồn” hay còn gọi là tháng “mở cửa mả”.

Để hiểu rõ hơn về những quan niệm và điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch, Nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên Cứu và Ứng dụng Tiềm Năng Con Người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hoá Á Đông đã có những trao đổi, chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin.

Vì sao lại gọi tháng 7 Âm lịch là “Tháng cô hồn”

Theo ông Nguyễn Cung Hà, từ xa xưa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới như Trung Quốc đều coi tháng 7 là “tháng cô hồn” hay tháng “ma quỷ” và lễ Vu Lan báo hiếu.

Tục lệ này bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi “Tết Quỷ”.


Sự thật về tục kiêng kỵ trong 'tháng cô hồn'

"Tháng cô hồn" bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian (Ảnh minh họa).

“Vì “Tết Quỷ” vừa trùng với tháng 7 là tháng Ngâu (mưa ngâu nhiều và trùng với sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu) nên trong dân gian từ lâu người ta thường hay vẫn kiêng kỵ nhiều thứ như không khởi công tạo tác xây dựng nhà cửa, khởi sự những công việc lớn, khai trương, đi du lịch, những chuyến đi xa, xây cất mồ mả, nhập trạch về nhà mới, mua xe, ký kết hợp đồng... Và nhất là công việc cưới xin, ăn hỏi”, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà cho biết thêm.

Những điều kiêng kỵ trong “tháng cô hồn” lưu truyền dân gian:

Sự thật về tục kiêng kỵ trong 'tháng cô hồn'

Ông Nguyễn Cung Hà chia sẻ với PV về những điều kiêng kỵ trong "Tháng cô hồn".

Nói về những điều kiêng kỵ trong “tháng cô hồn”, ông Nguyễn Cung Hà cho hay, có rất nhiều điều kiêng kỵ trong tháng này mà dân gian vẫn thường lưu truyền có thể kể đến như:

- Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.

- Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm vào tháng này, nếu không sẽ dễ gặp điều không may.

- Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.

- Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.

- Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình.

- Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy.

- Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.

- Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân.

- Không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc”, dễ bị ma quỷ xâm nhập.

- Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.

- Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm “quỷ khí”.

- Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.

- Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.

- Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác hình như có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.

- Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.

- Không cắm đũa giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.

- Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.

- Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt...

Tuy nhiên, đó là những điều mà dân gian lưu truyền, còn trong nhịp sống hiện đại với sự giao lưu và hội nhập rộng rãi với thế giới, mặc dù "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nhưng không phải tất cả các việc đều phải kiêng kỵ.

Ví dụ như những chuyến công tác, gặp gỡ giao lưu, ký kết với các đối tác nước ngoài, hoặc những công việc mang yếu tố khách quan, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà nhấn mạnh.

Tháng 7 Lễ Vu Lan báo hiếu hay còn gọi Lễ cúng “cô hồn” là một truyền thống tốt đẹp của cha ông ta được lưu truyền bao đời nay như là một lời nhắn nhủ cho mỗi người Việt Nam dù ở nơi đâu về đạo hiếu kính lễ hiếu trọng với cha mẹ, với những người lớn tuổi, nhắn nhủ trách nhiệm của mỗi người với bản thân và xã hội. Làm khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Theo quan sát của PV, mặc dù mới bước sang những ngày đầu tháng 7 âm lịch, nhưng số lượng người đổ về các chùa ở Hà Nội để lễ chùa, lễ phật bắt đầu đông.

Sư thầy Thích Đàm Xuyên (Chùa Thánh Chúa), chia sẻ thêm rằng, chưa có khái niệm cụ thể nào về cái gọi là “tháng cô hồn”, đó chỉ là khái niệm mà dân gian truyền từ xưa tới nay.

Việc cúng cô hồn cũng mang tính chất nhân văn bởi đây là dịp để giúp những linh hồn không nơi nương tựa được tưởng nhớ.

Bên cạnh đấy, tháng 7 Âm lịch còn là lễ Vu Lan báo hiếu – là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Đây cũng là dịp để những người con có dịp được tỏ lòng thành kính, biết ơn với những người đã khuất.

Theo Bạch Dương (NĐT)

* Xem thêm:

Những điều cấm kị trong tháng 7 cô hồn