Thoát nghèo nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc

Xã Ba Vì, huyện Ba Vì là địa phương nằm xa trung tâm TP, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Thoát nghèo nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc

Nghề làm thuốc Nam giúp nâng cao thu nhập cho người dân thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Phạm Hùng

Những năm qua, Ba Vì luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc nơi đây.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Ngôi nhà lợp mái tôn kiên cố của gia đình anh Lăng Văn Tơ (dân tộc Dao, ở thôn Yên Sơn) nằm nổi bật trên triền đồi xanh ngát. Ít ai biết, vài năm trước, gia đình anh Tơ thuộc nhóm những hộ nghèo nhất nhì toàn xã. Nhưng từ năm 2013, nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và TP như hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, khuyến nông, gia đình anh Tơ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Chỉ sau gần hai năm, gia đình anh đã cơ bản thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Tơ chỉ là một trong số những hộ ở thôn Yên Sơn thoát nghèo mới đây nhất của xã Ba Vì. Theo thống kê, hiện cả xã Ba Vì còn 129 hộ nghèo (chiếm 26,38%). Con số này đã giảm gần 8,5% so với thời điểm cuối năm 2014. Ông Lăng Văn Hà – Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì chia sẻ, để đạt được kết quả quan trọng nêu trên, Đảng ủy - HĐND - UBND xã đã chỉ đạo Ban Trợ giúp người nghèo của xã xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nghèo và triển khai phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thôn, bản, với mục tiêu giúp đỡ các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp…

Quan tâm thực hiện tốt chính sách


Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá, công tác giảm nghèo tại xã Ba Vì là chưa bền vững và đang đứng trước nhiều thách thức. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội nơi đây còn nhiều khó khăn… Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã cũng mới đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm. Đáng lo ngại hơn, dù số hộ nghèo có giảm, nhưng số hộ cận nghèo trên địa bàn xã lại tăng nhanh, từ 108 hộ (chiếm 22,1%) vào cuối năm 2014 lên con số 155 hộ (chiếm 31,7%) tính đến tháng 6/2015. Nguy cơ tái nghèo hiện hữu rõ nét, và trở thành nỗi lo thường trực đối với những cán bộ làm công tác giảm nghèo nơi đây.

Để công tác giảm nghèo được hiệu quả, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu kiến nghị, TP tiếp tục quan tâm đẩy nhanh các tiểu đề án phát triển kinh tế - xã hội tại xã Ba Vì nói riêng, huyện Ba Vì nói chung; thực hiện hỗ trợ về hạ tầng và sản xuất theo Quyết định số 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bởi cho đến nay, Nhân dân địa phương vẫn chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Chương trình 135...

Liên quan tới công tác hướng nghiệp dạy nghề, ông Lăng Văn Hà cho hay, hiện theo Chương trình 1956 của Chính phủ quy định, mỗi lao động chỉ được đào tạo một nghề và học một nghề một lần, thời gian đào tạo là 2 – 3 tháng. Do đó, để phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán lao động của đồng bào dân tộc Dao, kiến nghị TP xem xét, có cơ chế riêng cho một người lao động có thể học nghề nhiều lần, nhiều nghề khác nhau và thời gian học tăng lên từ 12 – 18 tháng. Đây sẽ là tiền đề mở ra cơ hội tiếp cận với những ngành nghề có thu nhập tốt hơn, tăng cơ hội việc làm cho người dân, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, góp phần trực tiếp vào giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo Trọng Tùng (KTĐT)