Thức ăn đường phố quá bẩn, TP.HCM bất lực trong khâu kiểm soát

TPHCM hiện có hơn 20.000 cơ sở đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố nhưng việc kiểm soát an toàn thực phẩm của những cơ sở này vô cùng khó khăn.

Thức ăn đường phố quá bẩn, TP.HCM bất lực trong khâu kiểm soát

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm với những xe bán hàng ăn lưu động như thế này là rất khó khăn

Tại Hội nghị tổng kết “Xây dựng mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2015” diễn ra tại TP.HCM ngày 13/1, có đến 26% những quán ăn được chọn làm mô hình kinh doanh thức ăn đường phố điểm tại TP.HCM còn nhiều vấn đề về vệ sinh, chưa được che đậy chống ruồi, bụi bẩn…

Kiểm tra những quán ăn được chọn làm mô hình kinh doanh thức ăn đường phố điểm tại 2 phường: phường 2 Quận 3 và phường An Lạc A, Quận Bình Tân cho thấy, khoảng 7% nơi kinh doanh chưa cách biệt với nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, nơi bày bán gia súc, gia cầm,...); 4% thức ăn chưa được che đậy, chưa chống được ruồi, bụi bẩn, nắng, mưa và các loại côn trùng khác; gần 15% người kinh doanh thức ăn đường phố không được khám sức khỏe định kỳ.

Thức ăn đường phố quá bẩn, TP.HCM bất lực trong khâu kiểm soát

Quán cơm bình dân trên đường Trương Định (q.3) ngay sát đường đi nhưng không có bất cứ cái gì che chắn bụi.


Ths.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện nay, người kinh doanh thức ăn đường phố đa số đều có thu nhập thấp, chưa được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ. Đáng lưu ý là họ chưa có ý thức trong việc thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi lượng cơ sở chế biến thức ăn đường phố quá lớn, đặc biệt gần như không kiểm soát được các xe bán hàng rong lưu động.

Theo lãnh đạo phường An Lạc A (Q.Bình Tân), đối với các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, hàng rong, buôn bán lưu động, công tác xử lý hiện nay chủ yếu là nhắc nhở bởi đa phần đây là những nghèo, mưu sinh bằng các xe hàng rong này. Tình trạng các xe đẩy bán hàng rong ở các cổng trường từ nơi khác đến địa phương rất khó quản lý vì họ buôn bán không cố định thời gian, địa điểm.

Ghi nhận của phóng viên Infonet tại một quán cơm bình dân trên vỉa hè đường Trương Định (quận 3): Thức ăn được bày lộ thiên trên một chiếc bàn sắt, xung quanh là nồi cơm, nồi canh, bếp than… và các loại xe cộ chạy ầm ầm ngay bên cạnh, cuốn theo đủ loại bụi đất. Chỉ có 2-3 xô nước vừa để rửa và tráng hàng trăm chén, đĩa trong một buổi bán hàng.

Thức ăn đường phố quá bẩn, TP.HCM bất lực trong khâu kiểm soát

Ba xô nước này dùng để rửa hàng trăm cốc, chén, bát đũa. Thử hỏi vệ sinh ở đâu?

Tại một xe bán bột chiên ăn sáng tại cổng một trường tiểu học tại quận 3 cũng ở trong tình trạng tương tự. Người bán không có găng tay, thức ăn bày tràn lan không được che đậy và cũng chỉ có 3 chiếc xô nhựa bé tí dùng để tráng, rửa chén đĩa.

Hầu hết các quán ăn bình dân, cơm hộp, thức ăn đường phố, hàng rong thường tập trung tại các trường học, bệnh viện, nơi đông dân cư... Phần lớn khách hàng của loại đồ ăn nhanh này là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo, có thu nhập thấp.

Thức ăn đường phố quá bẩn, TP.HCM bất lực trong khâu kiểm soát

Xe bán bột chiên trước cổng trường, không hề được che đậy. Người chế biến thực phẩm không đi găng tay

Ngoài việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ các chợ đầu mối, yêu cầu các phường xã phải xây dựng ít nhất 1- 2 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố điểm, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai lưu ý người tiêu dùng cần sử dụng quyền từ chối của mình đối với những nơi bán thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ: “Tôi cũng thỉnh thoảng ghé các điểm bán thức ăn đường phố để hỏi thăm tình hình buôn bán của bà con cũng như ăn các món ăn ở đây. Cũng là một người tiêu dùng, tôi muốn lưu ý người dân nên quan sát địa điểm bán thức ăn đường phố, nếu thấy họ đứng bán trên miệng cống, nắp hố ga hay thức ăn được kê sát mặt đất, không được che chắn, có ruồi bọ bám vào thì không nên mua. 

Người bán dùng tay trần để bốc thức ăn hay vừa bốc thực phẩm vừa nói chuyện cũng không nên mua vì vi khuẩn từ miệng người bán hàng sẽ bám vào thức ăn. Đặc biệt, cần tránh những nơi dùng giấy báo để gói bọc bánh mỳ vì mực in trên giấy chứa nhiều kim loại nặng ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Theo An Nhiên (infonet)