Thực hư việc một huyện ở Thanh Hóa cho máy múc phá lúa của dân?

Theo Chủ tịch UBND xã Yến Sơn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), việc máy múc đi xuống ruộng lúa là để cưỡng chế khu vực đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa có quyết nghị thu hồi để thực hiện các dự án trường học, đường xá, khu dân cư

Những ngày qua, trên một số nên tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… chia sẻ nhiều về một số đoạn clip ghi lại cảnh người dân tập trung ngoài một cánh đồng, phản đối việc UBND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho máy múc , làm hư hỏng rất nhiều diện tích lúa đang xanh tốt, chuẩn bị làm đòng của dân.

thuc-hu-viec-mot-huyen-o-thanh-hoa-cho-may-muc-pha-lua-cua-dan

Hình ảnh người dân tập trung tại khu vực cánh đồng Tám Làng, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa phản đối việc phá lúa của dân. Ảnh cắt từ clip

Ghi nhận thực tế tại khu vực trên cho thấy có rất nhiều ruộng lúa của người dân đã bị máy múc phá hư hỏng, dập, đổ nằm sâu dưới bùn. Tại khu vực này có rất nhiều máy móc nhưng đã dừng thi công. Tại đầu đường vào cánh đồng, người dân lập lán trại, tập trung đông người để phản đối.

Ông Nguyễn Văn Hưng, ông Lê Văn Thắng, bà Trần Thị Ngọc (ngụ xã Yến Sơn) lo lắng khi diện tích đất của gia đình bị thu hồi hết để triển khai dự án, trong khi giá đền bù thấp, khó để cho họ có thể tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống. Đồng thời, bất bình trước việc dân chưa đồng ý giao đất, đang trồng lúa nhưng bị cưỡng chế, cho máy múc tới san ủn, làm hư hỏng khi lúa chuẩn bị làm đòng.

Ngày 4-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn (huyện Hà Trung), xác nhận sự việc xảy ra tại cánh đồng Tám Làng của xã.

thuc-hu-viec-mot-huyen-o-thanh-hoa-cho-may-muc-pha-lua-cua-dan

Đất lúa được thu hồi để thực hiện các dự án xây đường, trường học, khu dân cư


Theo ông Nhân, đây là khu vực đất lúa đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa có quyết nghị thu hồi để thực hiện các dự án trường học, dự án khu dân cư, tuyến Quốc lộ 217 nối với tỉnh lộ 508…

Về việc chính quyền đưa máy móc tới múc, phá nhiều diện tích lúa của dân đang xanh tốt, tới thời điểm làm đòng, ông Nhân lý giải xã đã nhiều lần có thông báo đề nghị người dân không gieo cấy để giao đất triển khai dự án, tuy nhiên người dân vẫn cố tình, vì thế UBND huyện mới thực hiện phương án cưỡng chế. "Người dân cho rằng chúng tôi thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp nên muốn được đền bù theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là những dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất, việc đền bù được áp dụng theo quy định" - ông Nhân cho hay.

thuc-hu-viec-mot-huyen-o-thanh-hoa-cho-may-muc-pha-lua-cua-dan

Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Phú Nham, xã Yên Sơn) cho biết rất nhiều diện tích lúa của người dân gieo cấy đang chuẩn bị làm đòng đã bị phá bỏ. Ảnh: Tuấn Minh

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết khu vực đất mà người dân có ý kiến đã được tỉnh quy hoạch để phát triển thành khu đô thị. Các bước quy trình về lập quy hoạch, danh mục đất được thu hồi đã được thực hiện đúng theo quy định. "Tổng diện tích thu hồi đất tại khu vực này khoảng 50 ha, số hộ bị ảnh hưởng là 460 hộ, số hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù còn 103 hộ. Đa số các hộ đều đồng tình triển khai dự án, thế nhưng có thắc mắc tiền đền bù thấp" - ông Dũng nói.

 

Cũng theo ông Dũng, việc áp giá đền bù được thực hiện theo các quyết định của tỉnh và của luật đất đai hiện hành. Thanh Hóa áp dụng trên địa bàn như thế nào thì dự án này cũng áp giá đền bù như thế. "Chúng tôi cũng đã có thông báo, đối thoại, tuyên truyền giải thích cho người dân rất nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng việc đền bù với giá 20 triệu đồng/sào (500 m2 - sào Bắc Trung Bộ) là quá thấp, nhưng đó mới là tiền đất, nếu cộng các tiền hỗ trợ khác thì khoảng hơn 52 triệu đồng/sào. Tất cả đều được chúng tôi làm công khai, không có giấu diếm gì cả" - ông Dũng khẳng định.

thuc-hu-viec-mot-huyen-o-thanh-hoa-cho-may-muc-pha-lua-cua-dan

Người dân lập lán trại phản đối việc phá lúa. Ảnh: Tuấn Minh

Đại diện UBND huyện Hà Trung cho rằng việc cưỡng chế lần này có 17 hộ, thuộc dự án khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung được thực hiện theo đúng quy định, vì đã nhiều lần huyện gửi thông báo, đối thoại, mời làm việc nhưng người dân vẫn cố tình cho trồng lúa, trong khi đất đã được đền bù, hỗ trợ theo quy định, nếu chờ người dân giao đất thì biết đến bao giờ.

Trước thông tin người dân cho rằng cùng một loại đất lúa, nhưng khi thu hồi làm nút giao Quốc lộ 217, người dân được đền bù cao hơn, trong khi dự án này lại được đền bù thấp hơn, ông Dũng cho biết đây đều là đất do nhà nước thu hồi, tuy nhiên nguồn vốn triển khai làm đường được vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), họ có khung hỗ trợ chính sách riêng.

Trước việc người dân tiếp tục phản đối, không giao đất triển khai dự án, ông Dũng nói huyện sẽ cho tạm dừng việc thi công để tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận, sớm giao đất cho huyện triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Theo NLD